Bệnh nhân nữ (67 tuổi, ở tại Hà Nội) vì nuốt phải dị vật hình tròn như đồng xu. Dị vật vướng vào đường tiêu hóa trên của bệnh nhân.
Trước đó vài ngày bệnh nhân bị ho nhiều nên đã tự dùng thuốc viên ngậm không rõ nguồn gốc, có đường kính gần 2cm. Bệnh nhân ho và vô tình nuốt phải viên thuốc đó khi ngủ. Tỉnh dậy, bệnh nhân thấy cổ họng nuốt vướng nên đã vào Bệnh viện khám và điều trị.
Theo người nhà bệnh nhân, viên ngậm không rõ nguồn gốc này được bệnh nhân “tặng” sau khi tham gia nghe tư vấn sức khỏe và nằm giường massage vài tháng tại địa phương nơi bệnh nhân sinh sống.
Bệnh nhân được tư vấn mua loại đá này có thể chữa bách bệnh từ đau xương khớp (chỉ cần dán vào chỗ đau), viêm họng (ngậm), đái tháo đường (pha vào nước uống)…
Khi sử dụng loại đá này, bệnh nhân không cần dùng thuốc đặc trị, nên bệnh nhân dù mắc đái tháo đường type 2 cũng bỏ thuốc 2 tháng không uống, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
ThS.BS Đỗ Nguyệt Ánh, Phó khoa Thăm dò chức năng – nội soi, Bệnh viện E cho biết, dị vật có đường kính gần 2cm mắc trong đường tiêu hóa trên của bệnh nhân, gây nên hiện tượng nuốt vướng.
Cái khó của ca bệnh này, dị vật mà bệnh nhân nuốt phải là hình tròn, trơn, nên rất khó gắp ra. Thêm nữa, dị vật này có thể không nằm cố định mà di chuyển trong đường tiêu hóa của bệnh nhân. Nếu không dị vật có thể đi sâu vào cơ thể, gây tổn thương cơ quan nội tạng như thực quản, dạ dày, ruột…
ThS Ánh cho biết thêm, đây không phải là trường hợp đầu tiên, các bác sĩ khoa Thăm dò chức năng – nội soi Bệnh viện E gắp được dị vật đường tiêu hóa là loại đá này có hình thù là lục giác với cạnh sắc nhọn.
Cách đây 2 năm, bệnh nhân nam, trên 50 tuổi, Hà Nội, cũng ngậm đá này để chữa bệnh huyết áp cao và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, sức khỏe và bệnh tật chưa được cải thiện, thì bệnh nhân nam này phải vào viện… vì nuốt dị vật đường tiêu hóa là viên đá nano được quảng cáo chữa bách bệnh.
ThS Ánh cảnh báo hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá này đối với sức khỏe con người nên người dân đừng tin tưởng mà bỏ thuốc điều trị bệnh, nhất là các mãn tính của người già như tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp…
Ngoài ra, người dân cũng không nên tự ý sử dụng hoặc ngậm các vật có hình dáng tròn cứng, trơn… dễ gây nên tình trạng hóc dị vật là hóc dị vật đường tiêu hóa hoặc hóc dị vật đường hô hấp (đường thở).
Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, xử lý cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.
Tránh tình trạng tự ý dùng tay móc dị vật ra khiến dị vật chui sâu vào đường tiêu hóa hoặc gây nên hiện tượng trầy xước đường tiêu hóa…
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bị hóc suýt chết vì nuốt phải đá nano khi đang ngậm để 'chữa bách bệnh' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].