Trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh tim mạch
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh tim mạch bao gồm các bệnh: mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp (cao huyết áp)… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, hơn hết số bệnh nhân tích lũy ngày một tăng.
Tại Việt Nam, hiện đang có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt những năm gần đây bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với nhiều đối tượng đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng thông tin thêm, trước đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp chủ yếu ở độ tuổi từ 60 - 70 tuổi. Hiện nay, người dưới 40 tuổi chiếm đến 20% trong tổng số các trường hợp bị tăng huyết áp. Đặc biệt, bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch càng ngày được phát hiện nhiều ở lứa tuổi từ 25-40.
Ăn quá mặn sẽ gây bệnh tim mạch
Thói quen ăn uống là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn về bệnh lý tim mạch, trong đó có tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, đái tháo đường…
Ngày càng nhiều người sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chế biến dưới dạng chiên, rán, ăn quá nhiều mỡ, phủ tạng động vật, ăn quá nhiều tinh bột, ăn quá mặn và ăn quá ngọt…
Cùng với đó là thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia quá mức, lười vận động… cùng dẫn đến mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, các yếu tố stress, căng thẳng về công việc, xã hội, cuộc sống… cũng gây ảnh hưởng làm gia tăng các bệnh lý tim mạch.
Hơn nữa, hiện nay, “có rất nhiều người trẻ bị thừa cân béo phì, tăng huyết áp… từ đó dẫn đến các biến chứng tim mạch cũng sẽ sớm xuất hiện ở người trẻ”, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Khi bị bệnh sớm quá thì quỹ thời gian sống còn lại rất ít. Bởi mắc bệnh lý tim mạch khi còn trẻ nếu không được chữa trị kịp thời thì có thể sẽ trở thành một người tàn phế và quỹ thời gian sống không còn nhiều.
Nhưng có một điều đáng mừng đó là tất cả bệnh lý tim mạch đều có thể phòng ngừa được. Nếu ngay từ sớm, chúng ta kiểm soát chế độ ăn uống, thường xuyên vận động, tập thể dục, hạn chế những thói quen có hại thì tỷ lệ mắc các bệnh lý tim mạch rất thấp.
Và nếu chẳng may mắc bệnh tim mạch thì phải bỏ các thói quen có hại đi sẽ ngăn ngừa được khả năng tái phát, ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh kiên trì thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, uống thuốc theo đơn bác sĩ thì có thể chung sống hòa bình với các bệnh lý tim mạch.
An AnBạn đang xem bài viết Bệnh tim mạch đang đe dọa tính mạng người Việt: Cứ 4 người có 1 người mắc căn bệnh này tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].