Bệnh tiến triển nhanh, thời gian sống ngắn nếu phát hiện muộn
Đó là bệnh phổi kẽ.
Khoa Hô hấp Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70 – 100 bệnh nhân. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ, bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý khá đa dạng, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Nhóm này gồm rất nhiều bệnh lý khác nhau, tỉ lệ mắc không cao, triệu chứng không đặc hiệu, có nhiều bệnh có những đặc điểm về triệu chứng lâm sàng và hình ảnh học khá tương tự với nhiều bệnh lý hô hấp khác nên việc tiếp cận chẩn đoán và phân loại là một thách thức với các bác sĩ lâm sàng. Thêm vào đó, việc điều trị cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, phương tiện, giá thành cao.
Trong nhóm này, có một số bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh. Có những bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng còn xấu hơn cả ung thư.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ tiên lượng rất xấu: 50% bệnh nhân tử vong sau 2,5 năm phát hiện, có trường hợp chỉ vài tháng.
Một yếu tố duy nhất có thể can thiệp được để kéo dài thời gian đó là phát hiện sớm, điều trị đúng.
Nếu phát hiện và điều trị sớm dưới 1 năm thì tỷ lệ sống là 80%; Nếu từ 1-2 năm mới phát hiện và điều trị thì tỷ lệ sống còn 60%; phát hiện khi đã mắc từ 2 - 4 năm chỉ còn 40% tỷ lệ sống...
Một triệu chứng duy nhất để phát hiện bệnh phổi kẽ
Theo thông tin từ bệnh viện Phổi Trung ương, một số bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ nhưng ít có triệu chứng điển hình. Như trường hợp nữ bệnh nhân 56 tuổi, nhập viện Phổi Trung ương vì khó thở nhẹ khi gắng sức (khi leo cầu thang 3-4 tầng). Tình trạng khó thở tăng dần, nhưng không ho, không đau ngực. Bệnh nhân dày và sạm da tăng dần, biểu hiện Raynaud, gầy sút 7kg, không đau khớp.
Bệnh nhân chưa có bệnh lý hô hấp trước đó, không có tình trạng phơi nhiễm. Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh phổi kẽ NSIP - Xơ cứng bì toàn thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, khó thở là triệu chứng nhận biết của bệnh phổi kẽ. Tuy nhiên khó thở cũng là biểu hiện của nhiều bệnh khác nên thường dễ nhầm lẫn và bị bỏ qua.
Do đó, nếu thấy khó thở mà không phải là hen, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thì nên đi khám sớm vì có thể mắc bệnh phổi kẽ.
Bệnh viện sẽ chẩn đoán hình ảnh, lúc đầu chẩn đoán trên phim thông thường, những thầy thuốc chuyên khoa cũng có thể nhận biết chỉ điểm nhưng để chính xác thì cần thực hiện các kỹ thuật cao như là các dấu ấn sinh học...
V.LinhBạn đang xem bài viết Một căn bệnh tiến triển nhanh, thời gian sống ngắn hơn cả bị K: Thấy một triệu chứng này thì nên đi khám sớm tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].