Ngày 25/9/2018, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiến hành nội soi phế quản ống cứng đặt stent cứu sống bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do hẹp khí quản.
Bệnh nhân Trần Văn T (58 tuổi) có tiền sử bệnh suy hô hấp cấp/Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được cấp cứu đặt nội khí quản thở máy cách đây 2 tháng. Sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn còn khó thở nhẹ. Điều đáng nói, tình trạng khó thở ngày càng tăng, bệnh nhân ho khạc đờm nhiều hơn.
Ngày 24/9/2018, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng khó thở nhiều, có tiếng rít thanh quản.
Bệnh nhân đã được chụp CT scanner ngực có hình ảnh hẹp khí quản, được nội soi phế quản cấp cứu phát hiện thấy có tình trạng xơ sẹo gây chít hẹp gần hoàn toàn khẩu kính khí quản đoạn 1/3 trên, ngay dưới thanh môn. Tình trạng hẹp khí quản mức độ nặng này có nguy cơ đe dọa tử vong ngay cho người bệnh.
Bệnh nhân đã được hội chẩn cấp cứu toàn viện để can thiệp cứu sống. Bệnh nhân đã được tiến hành ngay nội soi phế quản ống cứng cấp cứu để nong rộng chỗ hẹp và đặt stent khí quản.
Sau can thiệp thành công, bệnh nhân đã hết khó thở, tình trạng lâm sàng cải thiện nhiều và bệnh nhân đã được ra viện vào ngày 02/10/2018.
TS.BS. Vũ Khắc Đại, Phó Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, sẹo hẹp khí quản do di chứng sau đặt ống nội khí quản thở máy ít gặp nhưng thường hay bị chẩn đoán nhầm là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc không được chẩn đoán.
Vì vậy sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh, có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp người bệnh có tiền sử đặt nội khí quản hoặc mở khí quản thở máy nếu có tình trạng khó thở, khó thở tăng dần không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản, chống viên thì cần được nội soi phế quản ống mềm kiểm tra, để phát hiện sớm, điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.
H.NBạn đang xem bài viết Bệnh nhân suýt chết vì tắc thở vì sẹo khí quản tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].