Trước đó, lúc 7 giờ ngày 28/3 tại thôn Khâu Mèng thuộc xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ông Sùng Diêu H. (sinh năm 1966) là chủ hộ đã đi hái nấm về nấu ăn sáng cho cả gia đình cùng ăn.
Sau bữa ăn sáng, cả gia đình 4 người của ông H. đã có biểu hiện bị ngộ độc sau khi ăn bữa sáng.
Biểu hiện chung của 4 người là nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy toàn nước giống như bị tả. Đến khoảng 23 giờ 30 ngày 28/3, anh em trong gia đình đã đưa cả 4 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Do nhiễm độc quá nặng nên 3 thành viên trong gia đình đã tử vong, còn ông H. có diễn tiến nguy kịch nên được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Hiện, sau 16 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân H. đã ổn định nên được các bác sĩ chuyển về bệnh viện tuyến tỉnh để tiếp tục điều trị. Trong quá trình điều trị tại viện, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã đồng hành cùng bệnh nhân suất ăn và một phần kinh phí trong suốt quá trình điều trị.
Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, loại nấm mà bốn người trong gia đình ông H. ăn là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm, do độc tố phá huỷ tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.
Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6 - 40 giờ (thường là 12 - 18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.
Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan như vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bệnh nhân duy nhất còn sống sót trong vụ cả gia đình bị ngộ độc nấm sức khỏe đã ổn định tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].