Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân 91, phi công người Anh mắc COVID-19 đã được chính thức công bố khỏi bệnh COVID-19 vào ngày 3/7.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp xúc tốt, đêm ngủ ngon, tự thở khí phòng, sức cơ 2 tay và 2 chân bình thường, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, tự đứng dậy…
Phổi bệnh nhân đã hồi phục được gần 100%, tự ăn uống được trên giường, ngưng toàn bộ các loại kháng sinh. Những ngày qua, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu, luyện cơ tay chân.
Dự kiến ngày mai (11/7) phi công người Anh sẽ xuất viện. Cùng ngày Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Bệnh viện Chợ Rẫy, rà soát lần cuối tất cả các vấn đề có liên quan đến sức khỏe người bệnh trước khi bàn giao cho Lãnh sự quán Anh.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 114 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18/3 dến chiều 22/5 và tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.
Phi công người Anh sẽ được hồi hương trên chuyến bay đi Anh đón công dân Việt Nam xuất phát từ Hà Nội ngày 12/7 tới. Hành trình dự kiến là Hà Nội - Frankfurt (Đức) – London (Anh).
Được biết, nam phi công sẽ từ TP.HCM ra Hà Nội bằng máy bay Boeing 787-9. Tiếp đó, chuyến bay từ Nội Bài sang London ngày 12/7 được thực hiện bằng siêu máy bay hiện đại Boeing 787-10, là dòng máy bay phi công người Anh từng cầm lái.
Theo đại diện Vietnam Airlines, các chuyến bay trước đây của hãng đi Anh thường khai thác bằng máy bay Airbus 350. Nhưng bệnh nhân 91 là trường hợp đặc biệt. Anh đã được biên chế vào đội bay Boeing 787 của hãng.
Vì vậy, việc để phi công người Anh ngồi trên chính chiếc máy bay mình từng cầm lái là hành động tri ân, thay lời cảm ơn, lời chào tạm biệt của hãng đối với nhân viên của mình.
Phi công người Anh sẽ ngồi khoang thương gia. Phi hành đoàn khai thác chuyến bay có 22 người, trong đó có 6 phi công và 16 tiếp viên, riêng tổ lái có 3 lái chính và 3 lái phụ.
Hãng cũng sắp xếp ghế đồng hạng cho 3 bác sĩ đi cùng và bố trí vị trí để 6 bình ô xy để phục vụ cho phi công này trên hành trình bay kéo dài 15 tiếng.
Dự kiến, tổng thời gian các chuyến bay của phi công người Anh kéo dài khoảng hơn 32 tiếng. Khi đến sân bay Nội Bài, bệnh nhân sẽ tiếp tục di chuyển đến ga quốc tế để lên máy bay rời Việt Nam lúc 23h ngày 11/7.
An AnBạn đang xem bài viết Bệnh nhân 91, phi công người Anh sẽ về nước trên chiếc máy bay mình từng lái tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].