Bệnh nhân 91 và sự phục hồi thần kỳ
Theo Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sau 6 ngày ngừng ECMO, bệnh nhân 91 tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay 4/5, sức cơ chân 2/5 (trước đó sức cơ tay là 3/5 và sức cơ chân là 1/5). Bệnh nhân còn có thể đung đưa hai chân, tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh,
Sau khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi ra các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn đều ngỡ ngàng vì bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, với những bệnh nhân COVID-19 khác, những tiến triển nhỏ là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực rất lớn.
Đến nay, phổi bệnh nhân phục hồi thần kỳ, được gần 60%. Chức năng thận hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng lọc máu 12 ngày. Tình trạng chướng bụng của bệnh nhân giảm, đã bắt đầu cho ăn qua đường tiêu hoá lại kết hợp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các bác sĩ cũng tập vật lý trị liệu cho người bệnh 2 lần/ngày, điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt.
Bệnh nhân 91 không cần ghép phổi nữa
Với sự phục hồi trên, theo chuyên gia, có thể bệnh nhân không cần ghép phổi. Hiện phương án này trở thành dự phòng.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 9/6, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Như vậy, tính đến ngày 9/6, đã 54 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 8.182 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 141 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 7.039 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 948 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 2 ca.
An AnBạn đang xem bài viết Bệnh nhân 91 mắc COVID-19 phục hồi kỳ diệu: Có thể tự ngồi dậy và điều chỉnh giường bệnh tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].