Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh Celiac: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Bệnh Celiac là một bệnh đường tiêu hóa liên quan đến việc giảm khả năng dung nạp với gluten. Bệnh có tỷ lệ mắc từ 0.3 - 1,25% dân số ở cả 2 giới. Để biết thêm về bệnh Celiac, hãy tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!

1 Bệnh Celiac là gì?

Gluten là một hỗn hợp protein gồm glutenin và gliadin, chúng liên kết với tinh bột có trong lúa mì, lúa mạch và các sản phẩm từ bột mì như bánh mì.

Bệnh Celiac là một bệnh do phản ứng miễn dịch tại ruột non khi ăn thức ăn có chứa gluten như lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác.

Bệnh gây ra sự phá hủy niêm mạc ruột non, giảm hoặc ngăn chặn sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Từ đó, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện kịp thời.

Các nghiên cứu đã chỉ ra bệnh Celiac có tác động tương đối lớn đến cộng đồng, cứ 100 người sẽ có 1 người gặp ảnh hưởng của bệnh. Trong đó, có đến 50% người bệnh vẫn xuất hiện triệu chứng kể cả khi đã kiêng gluten trong khẩu phần ăn.

Bệnh có liên quan chặt chẽ đến yếu tố gia đình, nếu có người thân mắc bệnh Celiac thì có khoảng 10% thành viên khác trong gia đình cùng mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh Celiac còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành hoặc ung thư ruột non.

Bệnh Celiac là bệnh do không dung nạp Gluten

Bệnh Celiac là bệnh do không dung nạp Gluten

2 Nguyên nhân gây bệnh Celiac

Yếu tố di truyền

Bệnh Celiac là một bệnh lý tự miễn của cơ thể, một số trường hợp có liên quan đến sự di truyền của các gen đột biến DQ2 hoặc DQ8 gây bệnh. Nếu có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh, thì khả năng mắc Celiac lên đến 10 - 20%.

Các yếu tố khác

Mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột ở giai đoạn đầu đời cũng được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh Celiac và các rối loạn tiêu hóa khác.

Bên cạnh đó, rối loạn hệ lợi khuẩn đường ruột cũng là một yếu tố nguy cơ làm xuất hiện bệnh Celiac do giảm khả năng chuyển hóa và hấp thu gluten.

Ngoài ra, việc mắc các bệnh lý tự miễn khác cũng làm tăng khả năng mắc Celiac như:

  • Đái tháo đường tuýp 1: liên quan đến các tế bào sản xuất insulin tại tụy bị hệ thống miễn dịch phá hủy.
  • Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto.
  • Bệnh Addison: bệnh tự miễn ở tuyến thượng thận.
  • Viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Hội chứng bẩm sinh liên quan đến nhiễm sắc thể như Down hoặc Turner,...

3 Triệu chứng của bệnh Celiac

Celiac đa số được phát hiện từ bé, tuy nhiên, nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh có nhiều sự khác nhau giữa người lớn và trẻ em.

Triệu chứng ở người lớn

Triệu chứng đường tiêu hóa

Người trưởng thành mắc bệnh Celiac thường có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi ăn gluten ở các mức độ khác nhau như:

  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Đau bụng hoặc nôn, buồn nôn.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Mệt mỏi, ăn uống kém dẫn đến gầy sút cân.

Triệu chứng ngoài đường tiêu hóa

Bệnh ở người lớn thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài với các triệu chứng không điển hình nên đa số không phát hiện sớm được bệnh. Có đến hơn 50% người bệnh đến khám vì các triệu ngoài đường tiêu hóa như:

  • Thiếu máu thiếu sắt: do giảm hấp thu sắt, vitamin B9, vitamin B12 và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự tạo máu.
  • Giảm mật độ xương: gây loãng xương hoặc nhuyễn xương liên quan đến việc hấp thu canxi và vitamin D.
  • Phát ban: xuất hiện các nốt ban đỏ, phồng rộp và ngứa rát trên da.
  • Triệu chứng thần kinh: thường xuất hiện cảm giác tê bì, kiến bò ở lòng bàn tay, bàn chân. Một số ít người bệnh có thể bị rối loạn thăng bằng hoặc suy giảm về nhận thức.
  • Triệu chứng khác: Loét miệng, đau nhức các khớp, suy giảm chức năng gan và lá lách.

Celiac biểu hiện nhiều triệu chứng

Celiac biểu hiện nhiều triệu chứng

Triệu chứng ở trẻ em

Triệu chứng đường tiêu hóa

Bệnh Celiac ở trẻ em hay gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa hơn so với người lớn. Các triệu chứng gợi ý bệnh Celiac bao gồm:

  • Đau bụng và nôn trớ thường xuyên khiến trẻ quấy khóc.
  • Bụng chướng có tiếng óc ách trong bụng.
  • Tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày hoặc táo bón.
  • Phân lỏng, nhạt màu và có mùi hôi.

Triệu chứng của việc không hấp thụ chất dinh dưỡng

  • Trẻ chậm hoặc không phát triển về thể chất, nhất là trẻ sơ sinh.
  • Trẻ có thể bị còi xương, chậm mọc răng hoặc men răng kém, dễ mắc các bệnh lý về răng.
  • Thiếu máu thiếu sắt.
  • Dậy thì muộn: với trẻ nam là sau 15 - 16 tuổi hoặc sau 13 - 14 tuổi với trẻ nữ.
  • Các triệu chứng về thần kinh: đau đầu, giảm sự chú ý trong học tập, co giật hoặc mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Triệu chứng ở trẻ em chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa và khả năng hấp thu

Triệu chứng ở trẻ em chủ yếu liên quan đến đường tiêu hóa và khả năng hấp thu

Viêm da dạng herpes

Có khoảng 2 - 3% trẻ em và từ 10 - 20% người lớn mắc bệnh Celiac có triệu chứng viêm da dạng Herpes với các đặc trưng sau:

  • Các nốt ban thường có kích thước vài mm, dạng phỏng nước và ngứa rát nhiều.
  • Thường xuất hiện ở da đầu, khuỷu tay, mông và đầu gối,...
  • Các triệu chứng này có thể xuất hiện mà không kèm theo các triệu chứng tiêu hóa.
  • Viêm da dạng Herpes trong bệnh Celiac thường xuất hiện sau khi ăn thực phẩm chứa gluten, sẽ mất một khoảng thời gian để chữa lành và có thể tái phát nếu tiếp xúc lại với một lượng nhỏ gluten.

Viêm da dạng herpes là tổn thương hay gặp trong bệnh Celiac

Viêm da dạng herpes là tổn thương hay gặp trong bệnh Celiac

4 Biến chứng của bệnh Celiac

Suy dinh dưỡng: do niêm mạc ruột non bị tổn thương khiến việc hấp thu các chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate bị suy giảm. Lâu ngày có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, nhất là ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển thể chất. 

Suy yếu xương: việc hấp thu vitamin D3, canxi và phospho giảm sẽ khiến mật độ xương giảm, xương suy yếu gây còi xương hoặc gãy xương.

Vô sinh và sảy thai: bệnh Celiac gây ra rối loạn kinh nguyệt, dậy thì muộn ở cả trẻ nam và nữ dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, thiếu dinh dưỡng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mắc bệnh Celiac.

Không dung nạp Lactose: nhiều người bệnh Celiac còn kèm theo biểu hiện không dung nạp lactose trong sữa bò.

Ung thư: đây là biến chứng hiếm gặp nhưng lại tương đối nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như điều trị, chẳng hạn như ung thư ruột.

Các vấn đề về hệ thần kinh: người bệnh có thể có biểu hiện mệt mỏi, chán nản, trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc giảm cảm giác ở bàn tay, bàn chân, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em,...

Bệnh Celiac có thể dẫn đến giảm mật độ xương

Bệnh Celiac có thể dẫn đến giảm mật độ xương

5 Chẩn đoán bệnh Celiac

Hỏi về tiền sử bệnh và tiền sử gia đình

Do bệnh Celiac có thể di truyền trong gia đình nên bác sĩ cần hỏi về tiền sử mắc bệnh Celiac hoặc các bệnh tự miễn khác của người bệnh và các thành viên trong gia đình để gợi ý chẩn đoán.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám vùng bụng để tìm kiếm bất thường đường tiêu hóa, gan và lá lách. Ngoài ra, việc khám lâm sàng còn giúp bác sĩ đánh giá được các triệu chứng bệnh Celiac ngoài đường tiêu hóa cũng như các biến chứng của bệnh.

Một số xét nghiệm

  • Xét nghiệm máu: giúp tìm các kháng kháng thể tự miễn, có bổ thể của hệ miễn dịch, đánh giá tình trạng thiếu máu, chức năng gan và thận,...
  • Sinh thiết ruột non: thường thông qua nội soi đường ruột để lấy được mảnh sinh thiết ruột, nó giúp ích cho việc chẩn đoán xác định bệnh.
  • Sinh thiết da: với các trường hợp có viêm da dạng herpes có thể sinh thiết da để chẩn đoán bệnh.
  • Thử nghiệm gen: đây là kỹ thuật giúp tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh do di truyền, tuy nhiên, việc thử nghiệm gen tương đối phức tạp và chi phí còn cao.

Bệnh Celiac nên được phát hiện sớm cũng như thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt trên đối tượng bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt mạn tính mà không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng và đã loại trừ xuất huyết tiêu hóa.

6 Khi nào cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Bệnh Celiac mức độ nhẹ có thể tự điều trị tại nhà thông qua việc tránh các thực phẩm chứa gluten. Tuy nhiên, khi có các triệu chứng sau, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời:

  • Đau bụng kéo dài, không thuyên giảm trên 1 tuần.
  • Xuất hiện các triệu chứng về thần kinh như tê bì hoặc rối loạn cảm xúc,...
  • Phát hiện bất thường về phân như phân nâu, mùi hôi hoặc phân nhầy lẫn máu.
  • Người xanh xao, mệt mỏi, suy dinh dưỡng hoặc trẻ em chậm phát triển thể chất.

Đau bụng kéo dài là dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Đau bụng kéo dài là dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Nơi khám và điều trị bệnh Celiac uy tín

Nếu gặp các dấu hiệu nêu trên bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào để được thăm khám và điều trị.

Tham khảo một số bệnh viên uy tín và nổi tiếng

  • Tp. Hồ Chí Minh: BV Đại học Y Dược TP. HCM, BV Nhi đồng TP. HCM, BV Chợ Rẫy,...
  • Hà Nội: BV Nhi Trung Ương, Trung tâm Nhi Khoa - BV Bạch Mai, BV Quân đội Trung Ương 108,...

7 Điều trị bệnh Celiac

Bước đầu tiên trong quá trình điều trị bệnh Celiac là dừng ăn tất cả các thực phẩm chứa gluten để ngăn chặn phản ứng miễn dịch phá hủy niêm mạc ruột. Tiếp đến, có thể điều trị các triệu chứng hoặc biến chứng của bệnh, cụ thể như:

Bổ sung nguồn dinh dưỡng thiếu hụt như tinh bột trong lúa gạo, ngô, khoai, ăn nhiều thực phẩm chứa sắt, thực phẩm giàu canxi để tránh bị suy dinh dưỡng, loãng xương.

Điều trị viêm da dạng herpes bằng thuốc đặc trị dapsone - thuốc kháng sinh thường được phối hợp từ clofazimine và rifampicin.

Sử dụng corticoid để ngăn chặn phản ứng tự miễn của cơ thể. Corticoid phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ diễn tiến của bệnh thông qua bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi đáp ứng điều trị mỗi 3 - 6 tháng, phát hiện sớm biến chứng của bệnh để xử lý kịp thời.

8 Biện pháp phòng tránh bệnh Celiac

Hiện nay, không có cách chữa trị bệnh Celiac, nhưng tuân theo chế độ ăn không có gluten sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài. 

Đồng thời, nên xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ và tập luyện thể dục thể thao thời xuyên để nâng cao thể trạng của cơ thể.

Không ăn thực phẩm chứa gluten là biện pháp phòng tránh bệnh Celiac hiệu quả

Không ăn thực phẩm chứa gluten là biện pháp phòng tránh bệnh Celiac hiệu quả

Chế độ ăn với người mắc bệnh Celiac

Việc kiểm soát thực phẩm không chứa gluten là rất quan trọng đối với người bệnh Celiac.

Người bệnh cần kiêng tuyệt đối những thức ăn có chứa gluten như lúa mì, lúa mạch hoặc hắc mạch, các ngũ cốc và mì ống. Ngoài ra, gluten cũng có thể chứa trong thành phần của bia và đồ uống có cồn khác.

Các thực phẩm không có gluten gồm: lúa gạo, miến, ngô, khoai, kiều mạch, diêm mạch, các loại thịt cá, rau xanh, hoa quả tươi hoặc các loại mì, bánh mì có nhãn dán “không chứa gluten”.

Xem thêm

  • Các nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài bạn cần biết
  • Rối loạn tiêu hóa ở trẻ
  • Nhận biết cơ thể đang bị rối loạn tiêu hoá và cách điều trị kịp thời

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh Celiac, nguyên nhân cũng như các điều trị và dự phòng bệnh. Hãy chia sẻ bài viết cho người thân và bạn bè xung quanh của bạn nhé!

Nguồn: Mayo Clinic, Cleveland Clinic, NHS, NIH, Medical News Today, Healthline.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính