Bé trai 6 tuổi nghịch nhét viên xúc xắc vào trong mũi và... quên luôn

Trong lúc nghịch ngợm, bé trai nhét viên xúc xắc vào trong mũi và để quên lâu ngày, dẫn đến mũi bị tổn thương, chảy máu liên tục.

Bé trai N.M.N. (6 tuổi, ở TP.HCM) liên tục chảy máu mũi nhiều lần nên được gia đình cho đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Sau khi thăm khám và chụp CT-Scan, bác sĩ thấy mũi bên phải của bé có khối tổn thương u sùi gây bít tắc hoàn toàn hốc mũi, chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Các bác sĩ khoa Tai mũi họng của bệnh viện đã nội soi thám sát và bất ngờ tìm lấy được dị vật mũi là viên xúc xắc bị vùi trong khối u sùi dễ chảy máu.

  Viên xúc xắc nằm lâu ngày trong mũi bệnh nhi được bác sĩ gắp ra

Viên xúc xắc nằm lâu ngày trong mũi bệnh nhi được bác sĩ gắp ra

BSCKII Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai mũi họng cho biết dị vật trong mũi là một cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở trẻ từ 1-6 tuổi.

Trẻ con thường nghịch ngợm nhét đồ vào mũi bạn hoặc vào mũi mình sau đó quên mất, hoặc do chấn thương, ngã làm dị vật mắc lại trong mũi. Có trường hợp trẻ tắm suối bị đỉa chui vào mũi…

Sau đó, trẻ thường có triệu chứng như đau hoặc tắc nghẹt một bên mũi, chảy máu mũi hoặc chảy mũi hôi xanh ở một bên mũi.

Ngoài ra, dị vật mũi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm mũi, chảy máu mũi hay nguy cơ bị nuốt phải dị vật, hoặc gây dị vật đường thở. Với những dị vật có chứa hóa chất như pin điện sẽ dễ gây loét niêm mạc, chảy máu, thủng vách ngăn mũi, gây sẹo co kéo.

Do vậy, khi nghi ngờ bé bị dị vật mũi, người nhà nên đưa bé ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám lấy dị vật.

Cách xử trí khi trẻ bị dị vật chui vào mũi

Nếu phát hiện trẻ có dị vật mũi, người lớn nên hỏi nhẹ nhàng, không nên quát mắng trẻ, có thể bịt bên mũi không có dị vật rồi cho trẻ xì mũi mạnh, nếu dị vật nhỏ có thể ra được.

Phần lớn dị vật có thể quan sát được trong điều kiện đầy đủ ánh sáng và với một vài dụng cụ. Nếu dị vật ở sâu phía trong hoặc có biến chứng nhiễm trùng xoang nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thăm khám bằng nội soi hoặc CT scan.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dị vật trong mũi, không nên bịt bông vào cửa mũi vì có thể làm dị vật chui sâu hơn. Tốt nhất hãy đưa trẻ tới chuyên khoa tai - mũi - họng để các bác sĩ có chuyên môn lấy những dị vật ra một cách dễ dàng và an toàn. Nếu dị vật là cục pin thì cần phải được lấy ra khỏi mũi càng sớm càng tốt vì pin bị phân hủy bởi dịch mũi gây hoại tử mô xung quanh.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính