Theo thông tin từ gia đình sản phụ Nguyễn Thị Mậu (30 tuổi, ở tại phố Lập Nghĩa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam), ngày 2/12, sản phụ nhập viện huyện ở tuần thai 36.
Đến sáng ngày 3/12, sản phụ có dấu hiệu doạ sinh nên được đưa vào phòng sinh. Tuy nhiên, bé gái có cân nặng lớn (khoảng 4 kg) nên trong quá trình sinh thường xảy ra sự cố.
Khi đứa bé chỉ ra phần đầu, còn cơ thể quá to nên bị kẹt. Sau đó, bé gái bụ bẫm khoảng 4kg ra đời trong tình trạng tím tái, tay chân nhiều vết bầm, vai phải bị xệ có dấu hiệu gãy xương.
Theo chia sẻ cô ruột bệnh nhân, ngay lập tức, bé gái được chuyển lên Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho biết, đứa bé có dấu hiệu sinh ngạt nên phải thở máy và cánh tay phải đã bị liệt, tay, đùi nhiều vết bầm.
Sau đó, do tình trạng bệnh nhi nguy kịch nên gia đình được tư vấn chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Chia sẻ về sự cố này, liên hệ vào số đường dây nóng Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, sáng 5/12, trao đổi với PV Gia Đình Mới, BS CKII Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, Sở đã tiếp nhận được thông tin và có công văn khẩn yêu cầu Bệnh viện huyện Hàm Thuận Nam báo cáo chi tiết.
Ngay sau đó, PV Gia Đình Mới liên hệ với đại diện Bệnh viện Hàm Thuận Nam, vị đại diện này cho biết, tối ngày 2/12, sản phụ nhập viện. Tuy nhiên, khi này ca trực siêu âm của Bệnh viện đã nghỉ nên không tiến hành siêu âm xác định cân nặng của thai nhi.
"Ngày hôm sau, sản phụ có dấu hiệu sinh, cổ tử cung đã mở 7 phân nên các bác sĩ lập tức cho sản phụ vào phòng sinh. Trước đó, trong thai kỳ, sản phụ nhiều lần thăm khám, lần gần nhất siêu âm là cách ngày sinh 25 ngày, khi này, kết quả siêu âm xác định cân nặng của cháu bé vào khoảng 2,6 kg.
Các bác sĩ sử dụng kết quả siêu âm đó, tuy nhiên, do không tiên lượng được cân nặng thực của thai nhi và tình trạng sản phụ nên đã xảy ra sự cố kể trên.
Bệnh viện chúng tôi chưa có phòng sinh mổ, vì vậy, nếu biết thai nhi có cân nặng lớn như thế, chắc chắn chúng tôi sẽ chuyển sản phụ lên tuyến cao hơn", vị đại diện này cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo này, khi thai nhi bị kẹt, điều cần làm nhất là giữ tính mạng cho cả mẹ và con.
"Khi bé ra, chúng tôi đã cố gắng hồi sức để bé hô hấp trở lại, sau đó chuyển bé nên tuyến tỉnh nên chỉ mới nghi ngờ bé bị gãy xương vai. Sau đó, bé lên tuyến trên và các bác sĩ ở đó xác định bé gãy xương vai. Tuy nhiên, phải chắc chắn một điều, khi thai nhi bị kẹt vai ở khung chậu, có khi các bác sĩ phải bẻ xương đòn thai nhi để phần vai hẹp lại để em bé ra.
Bé sẽ có nguy cơ liệt tay nhưng điều quan trọng nhất là lo tính mạng cho bé trước".
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bé sơ sinh gãy tay, nguy kịch sau khi sinh tại Bệnh viện huyện tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].