Đơn vị Hồi sức tích cực nhi khoa, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhi P. T. H. (1,5 tháng tuổi, ở TP. Uông Bí, Quảng Ninh) viêm phổi nặng, vào viện trong tình trạng lơ mơ, co giật toàn thân, tím tái… Đặc biệt, bé xuất hiện cơn ngừng thở khi co giật.
Điều đáng nói trẻ bắt đầu có triệu chứng từ 3 ngày trước, nhưng do tâm lý lo ngại dịch bệnh COIVD-19 nên gia đình đã trì hoãn không đưa trẻ đến viện sớm, khiến bệnh trở nặng…
Rất may mắn, sau 2 ngày điều trị, trẻ đã qua cơn nguy kịch, bắt đầu được rút ống thở oxy, có thể bú mẹ. Hiện trẻ đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa Nhi của bệnh viện.
BSCKI. Đào Thị Loan – Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, trường hợp bệnh nhi P. T. H. nếu được khám sớm, tình trạng viêm phổi ở mức độ nhẹ thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ cần điều trị viêm phổi đơn thuần và tránh được các biến chứng nguy hiểm...
Tuy nhiên bệnh nhi đến viện khi tình trạng đã nặng, hạ natri máu trầm trọng gây co giật và có cơn ngừng thở. Chỉ chậm 5- 10 phút thôi tiên lượng sẽ rất xấu.
Thời gian này, do tâm lý lo ngại lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, người dân thường e ngại khi đến bệnh viện, đặc biệt là với các gia đình có trẻ nhỏ.
Nhưng với trẻ nhỏ, biểu hiện bệnh thường mơ hồ, không rõ ràng, thêm vào đó sức đề kháng của trẻ còn yếu, chưa hoàn thiện, bệnh lại thường diễn biến nhanh thì việc trì hoãn đến bệnh viện vô tình lại gây hại thêm cho trẻ...
Để phòng tránh bệnh cho trẻ trong mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên tránh sự thay đổi đột ngột từ điều hòa ra ngoài môi trường. Nên để nhiệt độ điều hòa từ 26 đến 28 độ, không nên để quá thấp.
Trước khi ra ngoài thì chúng ta phải tắt điều hòa từ 10 đến 15 phút, sau đó mới cho trẻ ra ngoài, bởi vì những sự thay đổi này làm tăng nguy cơ các bệnh cho đường hô hấp.
Phải vệ sinh cho trẻ thật sạch, chú ý tới việc chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong mùa COVID-19 thì phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.
Với những trẻ khi có các biểu hiện bệnh lý như sốt, chảy nước mũi hoặc các bệnh lý về truyền nhiễm thì không nên cho trẻ đi học, hoặc tập trung những nơi đông người, hay chơi với các bạn khác vì dễ lây nhiễm.
An AnBạn đang xem bài viết Bé hơn 1 tháng tuổi nguy kịch vì người lớn sợ dịch COVID-19 không cho đi khám tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].