BV Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình vừa cấp cứu thành công bệnh nhân phản vệ sau khi ăn mì tôm. Bệnh nhân là N.T.G. (8 tuổi, trú tại Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được. Trước đó, bệnh nhân có ăn mì tôm trong bữa sáng (chỉ ăn mì tôm không).
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp phản vệ độ III, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu
Ngay lập tức, trẻ được kíp trực khoa Nhi cấp cứu phản vệ theo phác đồ. Sau 8 giờ, bệnh nhân hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ, có thể ra viện sau 1 - 2 ngày.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Trung Dũng, khoa Nhi, BV Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, mì tôm là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng dị ứng thậm chí sốc phản vệ như trường hợp mới đây cũng có khả năng xảy ra, rất may người nhà đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Đồng thời, bệnh viện cũng đã kích hoạt báo động đỏ, phối hợp nhịp nhàng giữa khoa Cấp cứu 115 và khoa Nhi để cùng cứu sống bệnh nhân.
Biểu hiện của dị ứng là nổi mề đay, phát ban, nôn, tiêu chảy, khó thở ngay sau khi ăn hoặc sau một vài giờ. Nặng hơn, có thể sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện trên cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, tránh để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp người bệnh còn tỉnh táo, có thể xử lý tại nhà bằng cách tự gây nôn, uống nhiều nước trước khi đưa đến bệnh viện.
Cách xử trí cứu sống người bị phản vệ
Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ của Bộ Y tế nêu rõ: Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.
Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
Phản vệ được phân thành 4 mức độ (mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự):
- Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.
- Nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
- Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
- Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
- Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
- Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
- Nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:
- Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.
- Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
- Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
- Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
- Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Khi xảy ra sốc phản vệ, ngay lập tức cần:
- Ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có);
- Cho người bệnh nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng trái nếu có nôn;
- Gọi ngay cho cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
Cũng theo Thông tư 51, trong xử trí cấp cứu phản vệ, Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.
An AnBạn đang xem bài viết Bé gái 8 tuổi sốc phản vệ sau ăn mì tôm, cách xử trí đúng nhất tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].