Tối 19/4, tại khu chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ việc bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 24 xuống đất tử vong thương tâm.
Theo thông tin ban đầu, thời điểm xảy ra vụ việc đau lòng, trong căn hộ chỉ có mẹ và cháu bé, bố cháu bé đang đi công tác.
"Người mẹ bận làm việc ở ngoài và tưởng con gái ngủ trong phòng nên đã không hay biết vụ việc. Cháu bị rơi từ tầng 24 khi trèo qua cửa sổ tại phòng ngủ" - một lãnh đạo UBND phường Yên Nghĩa thông tin thêm.
Vụ việc một lần nữa là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh đang sống tại các chung cư cao tầng và có con nhỏ. Thực tế, việc trẻ nhỏ bị rơi từ chung cư cao tầng xuống đã xảy ra rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Điều đáng nói, dù được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều về việc lắp rào chắn ở ban công, ô cửa, không để trẻ ở trong phòng một mình, không kê đồ vật gần lan can ban công… nhưng vẫn có những phụ huynh mắc sai lầm dẫn đến hậu quả đau lòng.
Kiến trúc sư Bùi Đức Hải (Hà Nội) một lần nữa nhấn mạnh, các gia đình ở chung cư cần làm ngay hôm nay những việc sau để đảm bảo an toàn cho trẻ:
Đảm bảo an toàn ở khu vực ban công, lô-gia, cửa sổ:
Khi mua nhà, thuê nhà chung cư cao tầng, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới ban công, lô gia, cửa sổ xem có thiết kế an toàn không. Nếu chưa an toàn, hoặc không lựa chọn mua/thuê nữa, hoặc phải thiết kế lại cho đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn ở khu vực này, phụ huynh lưu ý: Lan can tại những khu vực này có chiều cao tối thiểu là 1,3m, nên làm song dọc thay vì song ngang để tránh việc bé trèo lên một cách dễ dàng. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng.
Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, chiều cao lớn hơn thì càng tốt. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn. Không nên kê giường, tủ ở cạnh cửa sổ vì bé có thể leo trèo lên gần cửa sổ.
Tùy theo nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình để người sử dụng cân nhắc xem có nên lắp lưới an toàn ở ban công và cửa sổ hay không. Tuy nhiên, nếu có trẻ em, người già thì nên lắp.
Nói với trẻ về những khu vực nguy hiểm
Bố mẹ rất cần nói với con về các khu vực nguy hiểm trong nhà như: cửa sổ, ban công. Phân tích để trẻ hiểu nếu chơi đùa ở những khu vực đó, bất cẩn, trượt chân có thể dẫn đến tai nạn.
Hãy hướng dẫn con khu vực chơi an toàn, hạn chế đưa con ra chơi ở ban công, hoặc gần cửa sổ. Việc được chơi thường xuyên ở những khu vực nguy hiểm khiến trẻ nghĩ là đã an toàn rồi.
Không để con ở nhà một mình trong mọi trường hợp
Có rất nhiều ông bố bà mẹ bận rộn công việc nên phải tranh thủ từng phút để có thể làm việc nọ việc kia. Chính vì thế nên thỉnh thoảng bố mẹ cũng để con ở nhà một mình để chạy ra ngoài 1 lát và nghĩ rằng sẽ về ngay nên không có vấn đề gì.
Đây là việc tuyệt đối phải tránh bởi người lớn chúng ta không thể lường trước được trẻ nhỏ ở nhà chúng sẽ làm gì? Đôi khi chỉ là một chút tò mò bộc phát sẽ khiến trẻ nảy sinh ý nghĩ nghịch ngợm, leo trèo, khám phá mọi ngóc ngách trong nhà nhưng lại chưa đủ nhận thức được những điều đó có thể khiến mình gặp nguy hiểm.
Hơn nữa, tâm lý trẻ nhỏ khi ngủ dậy hoặc chơi chán mà không thấy bố mẹ đâu thì sẽ lập tức đi tìm. Lúc này bé có thể chạy ra ban công, cửa sổ để ngó xuống tìm và nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra vì tình huống này.
Không để trẻ tự sử dụng thang máy
Ngoài việc chú ý đến an toàn trong căn nhà của mình, người dân sống tại chung cư cao tầng cũng cần chú ý đến vấn đề an toàn khi sử dụng thang máy. Việc đi thang máy ở các khu chung cư là không tránh khỏi, tuy nhiên cần giám sát trẻ không được để cho trẻ nhỏ tự ý vào thang máy vì trẻ có thể gặp các chấn thương như: kẹt tay, vấp ngã, hoa mắt chóng mặt, ám ảnh sợ không gian hẹp.
Nghiêm trọng hơn là những sự cố hỏng thang máy, rơi thang máy luôn có nguy cơ xảy ra tại bất cứ nơi đâu, hoặc trẻ tự bấm lên tầng cao, ra sân thượng chơi và bất cản có thể bị ngã.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bé gái 4 tuổi rơi từng tầng 24 chung cư ở Hà Nội, 5 việc bố mẹ cần làm ngay hôm nay tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].