Nhưng cách mà bà nội làm không giúp cháu khỏi bệnh mà còn làm cháu bị bỏng nặng, vết thương ở ngực chảy dịch và nhiễm trùng.
Thông tin về trường hợp bệnh nhi này được bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ trên facebook cá nhân của mình nhằm cảnh báo các bậc làm cha, làm mẹ, người thân của trẻ, không nên tự ý chữa bệnh cho trẻ nhỏ bằng bất kỳ cách gì để rồi ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng bé.
Theo thông tin từ bác sĩ Sang, ngày 13/12, bác sĩ Sang có khám cho một bé gái 6 tháng tuổi, mẹ bé cho bé đi khám vì ‘ngực con bị đo đỏ và có thiếu máu’.
Nhưng, ‘khi lật áo bé lên tôi thật sự muốn té ngửa vì đó là vết bỏng, lớp da đã bị lột, vết thương đang chảy dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Tôi gặng hỏi mãi người mẹ mới kể lại sự việc là bé từ 3 tháng tuổi đã sổ mũi và hay khò khè về đêm.
Gia đình cho bé đi chữa dưới Cần Thơ nhiều lần nhưng không khỏi. Bà nội bé đi hỏi ở đâu được thông tin là dùng lá trầu không hơ nóng đắp lên ngực bé sẽ giúp giảm khò khè.
Thế là, khi mà bố mẹ bé đi làm thì bà nội ở nhà tự hơ và đắp lên ngực bé... Khi đắp lên thì bé quằn quại và khóc liên tục cả ngày.
Đến chiều bà nội sốt ruột nên nói gọi điện cho mẹ bé đang đi làm công nhân về đưa bé đi khám.
Về nhà thấy tình trạng của con, mẹ bé tức tốc bế con chạy ra bến xe lên Sài Gòn thăm khám’ – BS Nguyễn Thanh Sang chia sẻ.
Thực tế thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, bác sĩ Sang cũng đã gặp nhiều trường hợp cha mẹ, người thân chữa bệnh sai cách cho trẻ, trong đó có dùng lá trầu không hơ nóng đắp lên ngực và làm trẻ bị bỏng.
Và trường hợp của bé gái này được tiên lượng là nặng. Bé phải nhập viện điều trị với chẩn đoán nhiễm trùng da, bỏng sâu độ IV/ Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc.
Theo bác sĩ Sang, không có bằng chứng kể cả Đông y về việc hơ nóng lá trầu không đắp lên ngực để chữa sổ mũi, ngạt mũi, khò khè…
Do đó, các bậc phụ huynh cần suy nghĩ kỹ trước khi làm, nhất là khi chữa bệnh cho trẻ nhỏ.
Bởi, nếu điều trị sai cách thì hệ quả ấy sẽ theo trẻ suốt cả cuộc đời, thậm chí có thể cướp đi tính mạng trẻ.
Việc chữa sổ mũi, ngạt mũi bằng đắp lá trầu không không chỉ được chia sẻ bởi các bà mẹ Việt, mà phương pháp này cũng được các bà mẹ ở nước ngoài truyền tai nhau.
Cách đây không lâu, bà mẹ Malaysia Shikin Jaiz cũng chia sẻ trên mạng xã hội về việc chị sử dụng lá trầu không để làm giảm tình trạng ngạt mũi của con và đã thu hút sự quan tâm của nhiều bà mẹ.
Cách mà bà mẹ Malaysia Shikin Jaiz thực hiện cho con mình như sau:
- Hơ 4 – 5 lá trầu không trên cốc nước nóng, để lá trầu nóng lên đến nhiệt độ vừa phải.
- Sử dụng một loại tinh dầu thoa lớp mỏng lên ngực bé.
- Phủ lá trầu lên toàn bộ vùng ngực bé, giữ bé nằm ổn định như vậy 10 – 15 phút.
Bức ảnh mà bà mẹ này chia sẻ trên trang Facebook cá nhân cho thấy nước nhầy thoát ra khỏi mũi em bé rất nhiều.
Theo ghi nhận của y học Cổ truyền, lá trầu không có tính nóng, thường được dùng để chữa các bệnh như đau bụng, đau răng, đau mắt, mẩn ngứa hoặc dị ứng da.
Chính do tính nóng, lá trầu không có thể giúp cơ thể nóng lên, thúc đẩy tuần hoàn, làm giãn mao mạch và giải quyết các vấn đề tắc nghẽn.
Mặc dù lá trầu không có nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng khi sử dụng làm bài thuốc chữa bệnh, nhất là chữa bệnh cho trẻ nhỏ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Bởi, da trẻ nhỏ rất mỏng manh, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ xảy ra sự cố.
Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bé 6 tháng tuổi bị bỏng nặng vì bà đắp lá trầu không lên ngực chữa thở khò khè vào đêm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].