Cháu bé có thể bị ảnh hưởng tâm lý
Gần đây, tình trạng bạo hành trong nhà trường xuất hiện khá nhiều, với đủ mọi đối tượng và phương cách.
Khi thì thầy cô giáo đánh học sinh, khi thì phụ huynh hành hung thầy cô giáo, lúc thì trò bóp cổ thầy cô… Song, điều đáng lo ngại nữa là đã xuất hiện nhiều hình thức “khủng bố” chưa từng thấy xảy ra trong lịch sử.
Và lần này thì hình phạt không khác gì “tra tấn” được chính một cô giáo đem ra áp dụng cho đứa học trò thân yêu chưa đầy 10 tuổi của mình.
Những sự việc này tiếp tục gây bức xúc trong dư luận bởi tính "phản giáo dục" xuất hiện ngay trong môi trường giáo dục.
Bàn về vấn đề này, Gia Đình Mới đã có trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (bộ LĐ-TB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) và TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng An cho biết: “Tôi rất bức xúc sau khi biết được thông tin này. Tại sao một cô giáo tiểu học lại có thể đối xử với học trò của mình như vậy?
Việc làm của cô giáo có thể khiến cháu bé bị ảnh hưởng rất lớn. Tôi chưa nói đến việc cháu bé uống nước bẩn đó có thể sẽ bị đau bụng, tiêu chảy... mà tôi nói về mặt tinh thần của cháu bé, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đã từng có những cháu bé sau khi bị phạt đã bị trầm cảm, tâm thần và dẫn tới tự tử.
Hơn thế nữa, việc làm của cô giáo là vi phạm tội hành hạ người khác trong Bộ Luật Hình sự và vi phạm Luật Trẻ em. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm trong trường hợp của cô giáo này. Và theo tôi, cô giáo này không nên đứng trong ngành giáo dục nữa”.
"Nói chuyện trong giờ" có đáng là lý do để trừng phạt khắc nghiệt như vậy không?
Với TS Nguyễn Tùng Lâm, một người công tác lâu năm trong ngành giáo dục khi đọc được những thông tin như vậy đã không khỏi ngạc nhiên.
Chia sẻ với chúng tôi, TS Lâm cho biết: “Cách cô giáo dạy học trò là cách giáo dục áp đặt, quyền uy, không để học sinh phát triển theo cá tính riêng của các em. Bởi câu chuyện các em học sinh cấp 1 nói chuyện trong giờ học không phải là cái gì đấy quá lớn, nếu cô giáo giảng bài quá chán thì học sinh đó cũng phải đi làm việc khác.
Do vậy, nhiều khi cô giáo cũng phải xem lại cô giáo chứ không được áp đặt các em như vậy. Từ trước tới nay, thầy cô luôn có suy nghĩ là học sinh làm bất cứ cái gì cũng sai, chưa bao giờ thầy cô tự nhận mình làm sai gì cả.
Lẽ ra, trong trường hợp này, nếu học trò nói chuyện thì cô giáo phải xem xét lại cách dạy của mình, liệu đã hấp dẫn chưa, có khiến các em thích thú hay không chứ không phải áp đặt, ép các em ngồi yên trong giờ học được.
Học sinh tiểu học rất khó để ép các em ngồi học yên trong 40 phút được như vậy, có thể trong giờ các em có nói chuyện hoặc làm việc riêng thì cô giáo cũng chỉ nên nhắc nhở các em để các em thay đổi chứ không thể làm thế được.
Cô giáo phải là người nghĩ ra cách để lôi cuốn học trò cho các em chú ý vào bài giảng, chứ không phải áp đặt các em như vậy.
Cách dạy uy quyền, áp đặt lên học trò là bắt tất cả các em học sinh ngồi nghiêm, khoanh tay lên bàn và không được làm việc riêng trong giờ. Đây đang là phương pháp giảng dạy hết sức sai lầm và hiện nay phương pháp này đang phát triển trong các nhà trường.
Chúng ta phải lên án những phương pháp giảng dạy đó mới có thể hạn chế được những việc làm sai trái của các thầy cô giáo đối với học sinh.
Cô giáo trong trường hợp này theo tôi có thể cho thôi việc được, bởi cô không có đủ cả phẩm chất và năng lực để giảng dạy. Nhưng nếu cô giáo yêu nghề, lỡ sai lầm lúc đầu thì nhà trường và xã hội cũng nên giúp đỡ cô giáo đó, để cô giáo làm lại từ đầu.
Còn với tôi, chọn giáo viên là phải chọn lọc, phải chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực để dạy trẻ”.
Ngay sau khi có thông tin phản ánh, Bộ GD&ĐT đã có công văn khẩn chỉ đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm cô giáo.
Chiều 5/4, BGH nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật và thống nhất quyết định chấm dứt hợp đồng với cô giáo Nguyễn Thị Minh H. do vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo khi bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.
Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cô H. có hiệu lực kể từ ngày 5/4.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Bắt học trò súc miệng bằng nước giặt giẻ lau: Cô giáo không nên đứng trong ngành giáo dục nữa! tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].