Bão số 5: dự báo tấn công Nam Định, Quảng Ninh trong 48 giờ tiếp theo
Theo Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương, trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão số 5 - Barijat di chuyển theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Vị trí và đường đi của bão số 5: Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 07 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ vùng tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định.
Đến 07 giờ ngày 14/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền khu vực Đông Bắc của Đông Bắc Bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Siêu bão Mangkhut: di chuyển vào Bắc Biển Đông trong 3 ngày tới
Theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất, sáng nay, siêu bão Mangkhut đang trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, duy trì sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ).
Đây là sức gió cực mạnh khiến cơn bão này được đánh giá là "siêu bão".
Mặc dù ở xa bờ biển Việt Nam hơn so với Bão số 5, nhưng siêu bão Mangkhut với tốc độ di chuyển nhanh, sức gió cực mạnh, cũng sẽ di chuyển hướng về khu vực Bắc Biển Đông trong khoảng 03 ngày tới.
Công điện khẩn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về đối phó với bão số 5, bão Mangkhut:
Để chủ động đối phó với bão số 5, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương chỉ đạo triển, khai thực hiện một số nội dung.
- Đối với khu vực trên biển, trên đảo và ven bờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông (Vùng nguy hiểm sẽ được cập nhật theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).
- Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển, trên đảo và ven biển (nuôi trồng thủy sản, vận tải biển,...), đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo
- Đối với khu vực trên đất liền, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để phòng, tránh, đặc biệt chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp; rà soát triển khai hiệu quả phương án ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”.
- Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.
- Kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản. Rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp ven biển để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
- Các tỉnh miền núi chỉ đạo các tổ đội xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt lưu ý những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm tra, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.
PVBạn đang xem bài viết Bão số 5 và siêu bão Mangkhut cấp 17 bao giờ đổ bộ vào đất liền Việt Nam? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].