Bao sái ban thờ là gì?
Bao sái ban thờ là thực hiện lau dọn vệ sinh bát hương trên ban thờ. Đây là một công việc vô cùng quan trọng trước khi khép lại một năm cũ và chào đón năm mới. Bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang thường được các gia đình thực hiện sau nghi thức cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp
Mặc dù mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, thắp hương hoa quả khấn cầu tưởng nhớ gia tiên mọi người đều thực hiện việc dọn dẹp, lau chùi. Nhưng bao sái bàn thờ cuối năm mang ý nghĩa quan trọng hơn, rút tỉa chân hương cho án thờ khang trang, thoáng đãng. Đây cũng là một cách thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu.
Lưu ý khi bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang
Thời gian tốt nhất để tiến hành bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang là ngày 23 tháng Chạp - ngày 3 vị Táo quân về trời, nhà nhà có thể dọn dẹp ban thờ để đón các vị Táo quân trở về trần gian, chuẩn bị đón gia tiên về ăn Tết được trang nghiêm, sạch sẽ.
Trước khi tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp cần chuẩn bị mâm lễ nhỏ gồm:
- Lễ vật: Hương, nến, hoa quả, trầu cau, nước, tiền mã (vàng mã theo truyền thống, nhưng hạn chế).
- Khăn sạch để lau ban thờ.
- Rượu gừng, hoặc nước ngũ vị hương, nước vỏ bưởi, nước gừng… để bao sái ban thờ.
Gia chủ cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng.
Sắp xếp mâm hoa quả đặt lên trước khi dọn ban thờ và đồ thờ cúng.
Sau đó thắp 3 nén hương kính cáo Thần linh và tổ tiên cho gia chủ chuẩn bị bao sái ban thờ, tỉa chân nhang cho sạch sẽ... chuẩn bị đón Tết. Mong thần linh và tổ tiên tạm lánh để con cháu bao sái, lau dọn được sạch sẽ.
- Giờ đẹp bao sái, tỉa chân nhang đón Tết 2023
- Tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo, tỉa ngày nào tốt?
- Văn khấn tỉa chân nhang ngày ông Công ông Táo
Nguyên tắc khi bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang
Về nguyên tắc chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn... trên ban thờ. Riêng bát nhang, bài vị đã ổn định thì không nên xê dịch.
Lưu ý quan trọng khi thực hiện rút tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp là nếu trong nhà có 2 bàn thờ (bàn thờ gia tiên và bàn thờ Táo quân) thì đều phải tỉa chân nhang.
- Người thực hiện việc dọn dẹp ban thờ, tỉa chân hương phải là người cẩn thận, có tâm trong việc thờ cúng. Khi tiến hành bao sái cũng phải tắm rửa sạch sẽ, làm việc thành tâm.
- Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng.
- Nước lau bàn thờ là nước sạch, sau đó tiếp tục dùng rượu trắng pha với gừng giã giập (hoặc nước vang – nước ngũ vị hương) để lau sạch bàn thờ.
Khi lau bát nhang, bài vị cần dùng khăn sạch lau 1 lần, sau đó phun rượu pha gừng giã nhỏ, (hoặc nước hoa, ngũ vị hương…) lau lần nữa. Người biết thì vừa lau và đọc chú làm sạch pháp giới, người không biết thì đeo khẩu trang bao sái (vừa không thở làm vấy bẩn đồ thờ cúng, vừa không hít tàn hương vào hệ hô hấp).
Sau khi bao sái xong, chọn 5 chân nhang đẹp (nhiều người chọn chân nhang còn cuốn tàn) để lại trong bát hương. Tro hương nếu đầy có thể dùng thìa sạch múc bớt đi. Chân hương đã tỉa đem hóa, thả tro vào sông suối, gốc cây... nơi không ô uế, hoặc bị nhiều người đi lại giẫm lên.
Sau khi bao sái, dọn dẹp sạch sẽ thì thắp tuần hương mới kính cáo thần linh, gia tiên là đã hoàn thành công việc. Có thể biện một lễ nhỏ (hoa quả, rượu trầu cau... nhưng không có cũng không sao vì thần linh và gia tiên luôn chứng giám tấm lòng thành tâm của con cháu chứ không đòi hỏi), rồi tụng Chú Đại bi 3 lần, hoặc đọc kinh Dược Sư cầu an cho cả nhà.
Tuệ An (Tổng hợp)Bạn đang xem bài viết Bao sái ban thờ, tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp cần lưu ý những gì? tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].