Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Báo động tình trạng trẻ thừa cân, béo phì tại các đô thị ở Việt Nam

Tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em tại nhiều đô thị lớn ở nước ta đã vượt ngưỡng 20%. Đây là tình trạng đáng báo động, là thách thức cho sức khỏe cộng đồng, cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, chất lượng giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực của Đất nước.

Phát biểu tại sự kiện “Ngày Dinh dưỡng Cộng đồng Việt Nam lần thứ 4” do Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) cùng Herbalife Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo tổng điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 19,6%, mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). TRong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở vùng miền núi vẫn ở mức cao với 38%.

Ngược lại, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Điều này đã kéo theo nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường…

Beo phi

Tỷ lệ trẻ em béo phì, thừa cân tại Việt nam đang cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á - ảnh minh họa

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình trạng có nhiều nguyên nhân, trong đó có xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt ở giới trẻ đang gia tăng, trong khi vận động thể lực chưa được chú trọng.

Để ngăn chặn tình trạng béo phì, thừa cân, trong đó có trẻ em, hiện nay Bộ Y tế, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều chương trình dinh dưỡng trọng điểm như: Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” hàng năm, Chương trình “Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030”,...

Các chương trình dinh dưỡng lan tỏa thông điệp về chế độ ăn lành mạnh và vận động thể chất; đảm bảo trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ; khuyến nghị người dân ăn đủ, đa dạng thực phẩm, hạn chế đồ chiên rán, thức ăn nhanh, duy trì lối sống năng động.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân cần có những thay đổi nhỏ để hướng đến một bữa ăn lành mạnh hơn, một giờ vận động mỗi ngày để tạo nên sự thay đổi lớn cho cả xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo góp ý “Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức vào cuối năm 2024, bà Đỗ Hồng Phương - chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF cho biết, hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, trong nhóm trẻ 5-19 tuổi, tỉ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Trong đó, khu vực thành thị 26,8%, cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) , đồng thời cũng cao hơn tỉ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực.

Bà Đỗ Hồng Phương cũng đưa ra dự báo, nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030 sẽ có gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

Cũng tại Hội thảo này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng nêu rõ tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe, đặc biệt là tác động tới trẻ em.

Theo đó, tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân/béo phì cao hơn ở 5 tuổi.

Nếu uống thêm mỗi 100ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân/béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6” - bà Mai cho biết.

Bà Mai cũng đưa khuyến nghị, nên hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em. Theo đó, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Cụ thể, đối với trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 gram mỗi ngày (<=5% tổng năng lượng nạp vào). Đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có thể dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp lớn hơn 1,36 lần.

Về hậu quả của việc thừa cân, béo phì ở trẻ em, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, vấn đề này có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như: tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mãn tính khác và tử vong sớm.

Bên cạnh đó, trẻ bị thừa cân hoặc béo phì có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội, chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin, kết quả học tập kém.

Phạm Sinh 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính