Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo tập huấn vai trò của báo chí trong truyền thông phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 11/6.
Ông Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Vì sự sống còn và Phát triển trẻ em, UNICEF cho biết: I-ốt quan trọng cho sự phát triển của cơ thể nhưng Việt Nam vẫn nằm trong khu vực thiếu i-ốt. Việt Nam là 1 trong 19 nước có tỷ lệ thiếu i-ốt ở mức trầm trọng.
Tình trạng thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em, bướu cổ, suy giáp, thai chết lưu và sảy thai ở phụ nữ…
Toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường i-ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.
Còn theo bà Karen Codling, Điều phối viên Khu vực Mạng lưới i-ốt toàn cầu, khi thiếu hụt i-ốt đã được xác định cho cả quần thể thì cách tốt nhất là đảm bảo rằng các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày phải chứa đủ hàm lượng i-ốt.
Các chuyên gia y tế cũng nhận định, thiếu i-ốt gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe, ảnh hưởng đến đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, làm giảm kết quả học tập, năng suất lao động, gây nhiều thiệt hại đến nền kinh tế đất nước.
Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết. Trẻ nhỏ bị thiếu i-ốt sẽ tăng nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.
Do đó, đại diện UNICEF khuyến nghị người dân nên bổ sung i-ốt vào thực phẩm ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, việc sản xuất thực phẩm của các doanh nghiệp cũng nên bổ sung i-ốt để tránh những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe sau này.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Báo động tình trạng người dân bị tái thiếu i-ốt trầm trọng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].