Tôi vẫn nhớ khi tôi khoảng 6 tuổi, tôi đã vẽ một bức tranh về mình và bố mẹ trong một lớp học vẽ.
Đó là buổi học đầu tiên của tôi, tôi được phép vẽ tự do, nhưng tôi thực sự muốn vẽ gia đình mình, nên tôi đã làm như vậy.
Bạn bè tôi vẽ những thứ khác, có bạn vẽ con vật, có bạn vẽ người ngoài hành tinh xấu xí, có bạn lại vẽ công chúa xinh đẹp.
Giáo viên đến chỗ tôi và nói, ‘Brian, lần sau em có thể sáng tạo hơn.’
Vào lúc ấy tôi nghĩ, cắc mình không phải một người sáng tạo, và tôi cho rằng khiếu sáng tạo là bẩm sinh.
Ngay cả khi lớn lên, suy nghĩ ấy vẫn luẩn quẩn trong tôi cho đến khi tôi đọc được cuốn sách có tựa đề It’s Not How Good You Are, It’s How Good You Want to Be (Tạm dịch: Không phải bạn giỏi thế nào, vấn đề là bạn muốn giỏi tới đâu) của Paul Ardon.
Nó đã thuyết phục tôi rằng chỉ cần tôi muốn mình trở nên sáng tạo hơn, thì tôi sẽ có thể rèn luyện bản thân trở thành một người sáng tạo.
Vì vậy, tôi đã nghiên cứu những thủ thuật liên quan đến sự sáng tạo. Có một cách luyện tập phổ biến cho các diễn viên kịch có tên là ‘Yes and’.
Sau khi một người đưa ra một ý tưởng đơn giản, người tiếp theo sẽ đồng ý với ý tưởng đó (Yes / Vâng) tiếp nối bằng cách thêm chi tiết nhỏ hơn (and... / và...).
Dựa trên bài tập này, tôi đã nghĩ ra bài tập cho riêng não bộ để tăng cường sức sáng tạo, cũng giống như kiểu tập gym để tăng cơ bắp.
Bài tập này rất phù hợp với những người bận rộn, và cả những ai đang làm việc trong mội môi trường làm việc rập khuôn, không đòi hỏi sự mới mẻ.
Thâm chí dù bạn không làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, rèn luyện sức sáng tạo với bài tập này sẽ giúp bạn tiếp cận những thử thách, vấn đề một cách dũng cảm và sáng tạo hơn.
Bài tập này sẽ chỉ mất của bạn 10 phút mỗi ngày, nhưng có thể tăng khả năng sáng tạo của bạn hiệu quả.
Tôi gọi bài tập trí óc này là, ‘Cuộc phiêu lưu của người đàn ông và chú chó’.
Cách thực hiện như sau.
Trước tiên, hãy tưởng tượng ra một người đàn ông và một chú chó.
Nghĩ về mối quan hệ giữa cả hai.
Chú chó đến từ đâu? Người đàn ông có chú chó này được bao lâu rồi?
Chú chó này thuộc giống gì, và giống chó đó gợi lên điều gì (ví dụ, một chú chó săn sẽ gợi lên những điểm khác với một chú chó poodle).
Chú chó có phải thú cưng của người đàn ông không? Có phải người đàn ông đang dẫn chú chó đi dạo không?
Sau khi bạn đã dành thời gian tự hỏi những điều này, hãy tiếp tục nghĩ đến nhiều khả năng hơn nữa.
Chẳng hạn như, có thể người đàn ông đã tìm thấy chú chó bị bỏ rơi ở đâu đó.
Vì sao chú chó lại bị bỏ rơi? Tình trạng của nó thế nào?
Đừng ngại chơi đùa với những suy nghĩ như vậy, hãy tưởng tượng những điều kỳ lạ nhất mà bạn thích.
Có thể người đàn ông và chú chó vừa sống sót sau một cuộc thám hiểm vùng đất mới?
Có thể chú chó là kẻ mạnh mẽ và thông minh hơn trong hai người?
Sao cũng được, miễn là bạn tiếp tục thêm các tình tiết.
Cố gắng sáng tạo hơn với những yếu tố ảo.
Chẳng hạn người đàn ông có thể là một nhà khoa học, và anh ta đang dự định đưa chú chó lên sao Hỏa, để xem nó có thể sống sót hay không.
Việc tưởng tượng thêm những chi tiết về mối quan hệ giữa người đàn ông và chú chó sẽ khuyến khích bạn tư duy theo những cách mới lạ, khác với cách tư duy thông thường.
Từ đó, nó sẽ giúp bạn phát triển khả năng tư duy mới mẻ, sáng tạo hơn.
Bài tập này không nhất thiết phải là người đàn ông và chú chó.
Bạn có thể tưởng tượng chủ đề nào khác mà mình thích, và mình nghĩ sẽ nhiều ‘đất’ tưởng tượng hơn:
- Một giáo viên và học sinh
- Một cảnh sát và tội phạm
- Một người giàu và người vô gia cư
- Một con nhện và ông già
- Một người đàn ông với cây chổi
- Một cô gái với hình xăm
- … Bất kỳ mối quan hệ nào giữa hai hay nhiều đối tượng đều có thể tạo ‘đất’ sáng tạo cho bạn.
Sau đó, bạn có thể áp dụng bài tập này vào thế giới thực: nhìn ra ngoài cửa sổ và quan sát những người qua đường, nghĩ về cuộc đời của họ.
Hãy thử tưởng tượng những câu chuyện hài hước, thú vị đằng sau mỗi người đó. Bài tập này không chỉ kích thích sáng tạo mà còn rất thú vị nữa.
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Bài tập 10 phút mỗi ngày cho não bộ để rèn sức sáng tạo tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].