Từ một chốn đau thương, tàn khốc gieo rắc ám ảnh qua nhiều năm tháng, sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Côn Đảo ngày nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới, “lột xác” trở thành “thiên đường du lịch”, “thiên đường nghỉ dưỡng” làm đắm say cả những vị khách quốc tế khó chiều nhất.

Những ngày cuối năm, Côn Đảo bước vào mùa gió chướng. Tầm thời gian này, gió từ đỉnh núi Thánh Giá - “nóc nhà” của Côn Đảo, gió từ biển mang không khí mặn mòi vào đất liền càng làm gợi nhắc sâu sắc về lịch sử đau thương nhưng hào hùng của lớp lớp thế hệ cha anh đã từng sống và chiến đấu ở nơi đây.

Quá khứ đã khép lại nhưng câu chuyện kể về những lần vượt ngục, vượt biển để trở về đất liền của những người tù chính trị bị lưu đày ở Côn Đảo, những hy sinh không kể siết của các anh hùng, chiến sỹ cách mạng trong suốt 113 năm vẫn còn được nhắc nhớ qua mỗi dấu tích còn để lại...

Dưới thời Pháp thuộc, Côn Đảo là “địa ngục” giam giữ các chiến sỹ cộng sản và những người ái quốc chống chính phủ thuộc địa. Sau này, nhà tù Côn đảo tiếp tục được Mỹ ngụy sử dụng giam cầm tù binh chính trị trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

"Côn Lôn đi dễ khó về,Già đi bỏ xác, trai về nắm xương".

Côn Lôn là tên Côn Đảo thuở xưa. Những người yêu văn thơ, lịch sử nước nhà có lẽ không ai không thuộc nằm lòng đôi dòng lục bát bi thương, ai oán lưu truyền trong nhân gian khi nói về hòn đảo từng là “địa ngục trần gian” trong suốt hơn 1 thế kỷ (từ năm 1862 – 1975).

Empty

Nơi đây đã giam cầm hàng chục nghìn tù nhân. Ghê rợn nhất là khu biệt giam “chuồng cọp” gây chấn động dư luận thế giới năm 1970 khi được nhà báo Mỹ Don Luce đưa ra ánh sáng trong bài viết “The Tiger Cages of Viet Nam” (Những chuồng cọp Việt Nam) đăng trên tờ Histori- ansagainstwar.org.

Empty

Trở lại Côn Đảo lần này, chúng tôi có nhiều hơn thời gian để đến tìm hiểu các chứng tích lịch sử: Dinh Chúa Đảo, Cầu tàu 914, Sở Muối, Sở Lò Vôi...

Đặc biệt, Nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của hàng nghìn tù nhân Côn Đảo. Nghĩa trang Hàng Dương là một phần quan trọng không thể tách rời trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Nhà tù Côn Đảo.

Đây cũng là “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Empty
Empty

Nghĩa địa tù đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò, còn gọi là di tích Bãi Sọ người, sau dời lên Hàng Keo. Hàng nghìn tù nhân trong hệ thống nhà tù Côn Đảo bị giết hại khiến nghĩa địa Hàng Keo hết đất, thực dân Pháp phải mở thêm nghĩa địa để chôn tù. Đó chính là Nghĩa trang Hàng Dương.

Tính đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1975), ước tính có khoảng 6.000 tù nhân bị giết hại đã nằm lại nơi đây.

Từ năm 1992, nghĩa trang được quy hoạch trên diện tích khoảng 20ha, khởi công xây dựng và tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng các phần mộ trước đó, chia thành 4 khu A, B, C, D (riêng khu B được chia ra làm hai phần B1 và B2). Mỗi khu gắn với từng giai đoạn lịch sử và tên tuổi của các vị anh hùng. Trong đó có rất nhiều mộ khuyết danh.

Đây cũng là nơi an nghỉ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Nữ anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Võ Thị Sáu...

Empty

Trước 12h giờ đêm, dòng người vẫn lặng lẽ đổ về Nghĩa trang Hàng Dương để dâng hoa, thắp nhang tưởng nhớ các vị anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng nằm lại nơi đây.

Không gian ngan ngát hương hoa, tịch trừ, linh thiêng, chỉ có hàng dương đu đưa nhè nhẹ trong tiếng gió vi vút như bản nhạc thiên tạo, hòa âm cùng tiếng nhạc du dương phát ra từ những chiếc loa nhỏ nằm rải rác trong nghĩa trang, ru hương hồn các anh hùng, liệt sỹ, những người yêu nước vào cõi vĩnh hằng.

Đêm ở Nghĩa trang Hàng Dương càng lung linh huyền ảo bởi ánh sáng lấp lánh phát ra từ những ngọn đèn, cốc nến...

Khi ấy đứng trước mộ cô Sáu thắp nén nhang trầm tưởng nhớ người nữ anh hùng trong tôi lại văng vẳng khúc hát rưng rưng xúc động được cố nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn viết cách đây hơn 65 năm trong bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”:

“Mùa hoa lê-ki-ma nở ở quê ta miền đất đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở

Đời sau vẫn còn nhắc nhở

Sông núi đất nước ơn người anh hùng

Đã chết cho đời sau

Người thiếu nữ ấy như mùa xuân

Chị đã dâng cả cuộc đời

Để chiến đấu với bao niềm tin

Dù chết vẫn không lùi bước...”

Bài 2: Ngất ngây chốn thiên đường

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO