Tuy nhiên, theo BSCKII Nguyễn Thị Hồng Lạc - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, việc cha mẹ dùng khoai tây, chanh tươi, lòng trắng trứng gà đắp vào vết tiêm của trẻ là hoàn toàn sai lầm.
Vết tiêm của trẻ là vết thương hở trên da, vậy nên việc cha mẹ đắp, bôi bất kỳ thứ gì lên đó cũng có thể làm cho vi khuẩn tấn công vào vết thương hở, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm.
Bác sĩ Hồng Lạc khẳng định, hầu hết các phản ứng của vắc-xin sau tiêm như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau... là nhẹ và tự khỏi. Một số ít có phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin có thể do trẻ mắc một bệnh lý nào đó, bị dị ứng, sặc sữa…
Vì vậy, cha mẹ cần phải chú ý các biểu hiện bất thường của con sau tiêm vắc-xin như trẻ sốt cao liên tục, phát ban, bỏ ăn, quấy khóc dai dẳng, chỗ tiêm sưng, nóng, đỏ…
Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, kích thích vật vã, lừ đừ… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, để giảm tình trạng đau nhức, khó chịu ở trẻ sau tiêm vắc-xin, cha mẹ nên làm một số việc sau:
Phân tán tư tưởng của trẻ: Cha mẹ nên mang theo đồ chơi yêu thích của trẻ để gây phân tán sự chú ý của trẻ khi tiêm. Đối với trẻ lớn hơn chút, cha mẹ có thể nói chuyện, kể chuyện vui để trẻ không quá để ý đến kim tiêm.
Massage trên da cho trẻ: Cha mẹ có thể massage nhẹ nhàng vùng da xung quanh chỗ tiêm để giảm cảm giác đau cho trẻ. Không được xoa trực tiếp lên vết tiêm hay bôi, đắp bất kỳ thứ gì lên vết tiêm để tránh nhiễm trùng.
Cho trẻ bú: Trẻ được bú mẹ sau khi tiêm vắc-xin sẽ giúp trẻ giảm đau nhanh hơn, trẻ bớt khóc và bớt hờn dỗi.
Cha mẹ phải giữ bình tĩnh: Cảm xúc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Vậy nên, khi cha mẹ giữ được bình tĩnh, bớt lo lắng về việc con bị đau khi tiêm cũng sẽ giúp trẻ vui vẻ, thoải mái hơn khi tiêm. Có thể trẻ sẽ đau trong vài phút, nhưng cơn đau đó sẽ qua đi rất nhanh khi được cha mẹ dỗ dành, phân tán sự chú ý bằng một niềm vui khác.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bác sĩ Nhi khoa cảnh báo: Đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây vào vết tiêm phòng cho trẻ dễ bị nhiễm khuẩn tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].