Ngày 2/3, bệnh viện đa khoa Bảo Thắng đỡ đẻ thành công một trẻ sơ sinh trong tình trạng bị thủng đầu do bà nội cầm dao "đỡ đẻ" tại nhà.
Ngày 3/3, sự việc một thai phụ Hưng Yên tự đẻ ở nhà nhận nhiều sự phản đối của dư luận và giới bác sĩ chuyên môn.
Bác sĩ Thu Hằng hiện đang sinh sống tại Pháp, có nhiều chia sẻ hữu ích về vấn đề này. Gia Đình Mới xin phép đăng tải.
"Hai tuần vừa rồi mình nhận được cả chục tin nhắn và vài bạn tag mình vào các bài về vụ sinh con không cắt dây rốn mà để tự rụng. Các tin nhắn đến từ cả hai bên, nhóm chống và nhóm thuận.
Mình hơi bận nên đến hôm nay mới có chút thời gian ngồi đọc và bàn luận về chuyện này.
1) Về phương pháp (PP) này thì chắc các bạn đều đọc và biết cả rồi.
Phương pháp này có nguồn gốc từ người Hindou, và một số nhóm dân tộc ở mấy vùng châu Á. Rồi được một cô nữ hộ sinh người Mỹ tên là Mary Caellaigh "khai quật" về, có viết một bài giới thiệu trên báo hay tạp chí gì đó mình không nhớ rõ vì mình đọc từ hồi năm 2014.
Nói ngắn gọn là sau khi sinh sẽ không cắt dây rốn, để bánh rau trong một cái chậu hoặc khay gì đó, rắc đầy muối hạt hoặc cỏ, lá thơm và một miếng gạc / vải mỏng sạch lên trên để chống thối, chống ruồi bâu kiến bậu, rồi di chuyển theo đứa bé cho đến khi dây rốn tự rụng.
PP này được áp dụng nhiều hơn bên phía một số nước nói tiếng anh, ở Pháp cũng thấy nói đến nhưng rất hiếm gặp.
Lập luận của nhóm này có thể tóm tắt như sau :
a - đứa bé sẽ nhận được nhiều máu, chất, và các kháng thể của mẹ, tăng sức đề kháng, tránh được nhiễm trùng rốn nên rốn sẽ "đẹp".
b - về mặt biểu trưng (symbolique), thì đứa bé không bị cảm giác "cắt đứt" mối dây liên kết với mẹ một cách đột ngột và bà mẹ cũng vậy, so với PP cắt dây rốn bình thường. Vì vậy sẽ tăng tình cảm gắn bó mẹ con....
2 ) Lập luận của nhóm các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh không đồng tình có thể tóm tắt như sau :
a - chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng đứa bé "không cắt dây rốn" sẽ có sức đề kháng cao hơn những đứa bé sinh thường.
- Sau khi đứa bé ra đời, và khi bánh rau bong ra khỏi cơ thể mẹ, khi mạch máu không còn đập nữa thì sự chuyển dịch máu sẽ ngừng, nghĩa là để thêm nữa cũng không có tác dụng gì.
- Rốn cắt theo PP thông thường thì cũng vẫn "đẹp" .
b - Về tác dụng biểu trưng, kéo dài mối liên kết, mối gắn bó với mẹ... thì cũng chưa có nghiên cứu nào để chứng minh.
Nhiều người còn đặt câu hỏi rằng liệu việc có cái bánh rau lòng thòng đi kèm có gây cản trở quá trình ôm ấp, bế ẵm của cha mẹ và người thân, dẫn đến giả thiết rằng cách này chưa chắc đã có tác dụng tốt hơn cho quan hệ gắn bó cha, mẹ - con.
c - Nguy cơ nhiễm khuẩn,, mất vệ sinh môi trường sống đặc biệt tại các nước nhiệt đới nóng ẩm và thời tiết mùa hè, mùa nồm.....
3) Vậy các bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh khuyên thế nào ?
a - Số lượng ủng hộ PP này là rất nhỏ (tuy nhiên mình không tìm được con số điều tra cụ thể)
b - Đa số khuyên cha mẹ và các nhà chuyên môn hãy sử dụng phương pháp kẹp dây rốn / cắt rốn chậm. Thời gian chậm là bao nhiêu thì tuỳ vào tình hình cụ thể để quyết định.
Ví dụ :
- Đối với trẻ sinh non, để tránh thiếu máu do thiếu sắt trong những ngày đầu sau sinh, nhiều bác sĩ khuyên nên kẹp và cắt dây rốn chậm từ khoảng 1-3 phút sau sinh.
- Với trẻ sinh đủ tháng, mẹ khoẻ mạnh, thì chỉ cần khoảng 1 phút là đủ
- Có chỗ đề cập đến lượng thời gian để tối đa là chờ đến khi mạch máu dây rốn ngừng đập.
- Khi sử dụng PP kẹp / cắt dây rốn chậm cũng cần làm đúng phương pháp, ví dụ vị trí của đứa trẻ lúc đó thường được đặt nằm thoải mái ở trên đùi của mẹ, thấp hơn vị trí của bánh rau.
4) Bản thân mình ủng hộ PP kẹp / cắt dây rốn chậm này vì đã có nhiều nghiên cứu chứng minh về tính hiệu quả và an toàn.
Và nếu các bạn tin tưởng hỏi mình, thì mình sẽ không bao giờ lựa chọn PP để rụng tự nhiên vì mình theo nhóm bác sĩ và nữ hộ sinh ở mục số 2.
5) Sinh tại nhà: Theo mình, lựa chọn sinh con tại nhà trong hoàn cảnh, điều kiện như ở Việt Nam là lựa chọn RẤT NHIỀU RỦI RO.
Các bạn cần biết :
- Ở các nước phát triển ví dụ nước Pháp, một số nhỏ các bà mẹ vì mắc chứng sợ bệnh viện, hoặc vì lý do nào đó có thể lựa chọn sinh con tại nhà. Nhưng với điều kiện cấp cứu rất kịp thời, được theo dõi và chờ trực của cả một nhóm bác sĩ / y tá / nữ hộ sinh chuyên cấp cứu...
- Ở Pháp, để cấp cứu một trường hợp tai nạn hoặc rủi ro y tế nào đó, người ta có hệ thống cấp cứu nhanh rất hiệu quả, chuyên nghiệp. Ví dụ quy định tối đa 11 phút là phải có mặt tại hiện trường, bằng xe cấp cứu chuyên dụng, hoặc trực thăng chuyên dụng. Trên nóc một số bệnh viện có luôn cả sân bay cho trực thăng đậu, rồi đường đẩy cáng bệnh nhân chạy thẳng vào phòng cấp cứu... (Vậy mà nhiều khi vẫn không tránh được rủi ro tổn thất nặng nề đó các bạn ạ)
Ở Việt Nam có làm được thế không?
- Chính vì vậy, tuy tổ chức bảo vệ bà mẹ trẻ em khuyến cáo, hoặc khuyến khích, yêu cầu rằng các bà mẹ phải được lựa chọn tư thế sinh, nơi sinh con... chỉ là lý thuyết thôi, còn thực tế thì phải tuỳ vào điều kiện / hoàn cảnh xã hội mà quyết định chứ.
6) Vài bạn nhắn tin cho mình nói về khoá học "sinh con thuận tự nhiên" của chuyên gia bé bú ti. Tuy không biết chính xác nội dung khoá học, nhưng mình nghĩ một là nên kiểm tra thông tin cho cẩn thận, hai là chuyện gì cũng nên vừa vừa phải phải thôi các bạn ạ.
Khi chuẩn bị có em bé, mang thai và sinh em bé, thì cần trang bị cho bản thân và gia đình đủ kiến thức về sức khoẻ, an toàn, dinh dưỡng, chăm sóc, theo dõi sản khoa, sinh nở, nuôi con, chú ý tâm lý, chiều chuộng bà mẹ hơn... là được rồi.
Các bạn mong chờ gì mà tìm xa xôi vậy?
7) Mở rộng ra chút, nếu được, thì mình khuyên:
- Nhóm chuyên gia bé bú ti nên tập trung vào ủng hộ nuôi con bằng sữa mẹ một cách điềm đạm, chân thành, không cực đoan, không chửi bới nói đểu nói khích các cha mẹ nuôi con bằng sữa bò.
- Và ngược lại, các bà mẹ nuôi con bằng sữa bò, bán sữa bò sữa dê, cũng không nên chửi bới nói đểu nói khích các bà mẹ ủng hộ sữa mẹ.
Nói thật lòng, thỉnh thoảng có bạn chia sẻ, hoặc mình tự đọc một số bài trên trang của chuyên gia bé bú ti, mình rất khó chịu với cái giọng ngạo nghễ, kiêu căng, nói khơi khơi không có đủ chứng cứ về khoa học cũng như thông tin lắm ý.
8) Đây là hai bức hình mình rất thích lúc vừa sinh con.
Hình 1 là vừa mổ xong tỉnh lại, giây phút đầu tiên hai mẹ con gặp nhau.
Hình 2 là hai bác sĩ và chị nữ hộ sinh mổ cho mình. Toàn người giỏi, tử tế dễ thương.
Hồi mình mang con trong bụng mình khoẻ cực kì. Lúc nào cũng vui vẻ thoải mái, con mình phát triển tốt, quay đầu cũng chuẩn. Khung chậu mình cũng mở tốt không đến nỗi hẹp.
Đi khám thai lần nào cũng đều dự kiến sinh thường. Mình tập luyện, đi bộ, hít thở... hàng ngày để hướng tới sinh thường.
Đến hôm sinh, lúc đầu bác sĩ khám xong cũng vẫn dự tính sinh thường vì mình rất khoẻ.
Vậy mà chính bản thân mình cũng không thể lường được trước những khó khăn xảy đến.
Mình nằm trên bàn sinh chờ từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tử cung mở được có tí ti, ối thì vỡ sớm, cơn co thì thất thường, cuối cùng quyết định phải mổ để mang em bé ra.
Kể vậy để các bạn thấy, sinh nở có thể có rất nhiều bất ngờ, rủi ro. Đừng chủ quan các bạn ạ. Đừng nghe theo các kiểu chuyên gia học có vài ngày, đọc vài cuốn sách. Nguy hiểm lắm."
Chị Nguyễn Thu Hằng, Bác sĩ chuyên khoa nhi, Bác sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em, hiện đang theo học tại Pháp về Tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành – là một facebooker có nhiều bài viết hữu ích về chăm sóc con cái.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng: Vì sao không nên sinh con tại nhà theo kiểu 'thuận tự nhiên' ở Việt Nam? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].