Bác sĩ Hoàng Công Lương: 'Tôi không thể là đồng phạm với Bùi Mạnh Quốc'

Sau khi nhận bản kết luận điều tra bổ sung lần 3, bác sĩ Hoàng Công Lương khẳng định: "Tôi không thể là đồng phạm với Bùi Mạnh Quốc được".

  Bác sĩ Hoàng Công Lương, bên phải và Bùi Mạnh Quốc bên trái

Bác sĩ Hoàng Công Lương, bên phải và Bùi Mạnh Quốc bên trái

Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Hoà Bình) đã có bản kết luận điều tra bổ sung lần 3 vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 9 người tử vong xảy ra hồi cuối tháng 5/2017.

Tối cùng ngày, trao đổi với PV Gia Đình Mới, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết đã nhận được bản kết luận điều tra bổ sung lần thứ 3 đề nghị truy tố tôi về tội “Vô ý làm chết người”. 

"Cũng như bản kết luận điều tra bổ sung lần 2, tôi không đồng ý với bản kết luận điều tra bổ sung lần 3 này. Hai hành vi khác nhau thì không thể cùng một tội danh được. Tôi không thể là đồng phạm với Bùi Mạnh Quốc được. Vì nguyên nhân là do tồn dư hóa chất trong quá sửa chữa bảo dưỡng, không liên quan đến công việc khám chữa bệnh của tôi. 

Tôi mong muốn Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hoà Bình xem xét sự việc một cách công tâm và khách quan. Truy tố đúng người. Đúng tội!", bác sĩ Hoàng Công Lương chia sẻ. 

Kết luận lần 3 khác với 2 bản kết luận điều tra bổ sung trước là Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố bị can đối với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Đây là đơn vị có liên quan đến vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo thông tin hồ sơ vụ án, vào ngày 25/5/2017, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là ông Trương Quý Dương đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn về việc sửa chửa và bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 tại Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện. 

Tuy nhiên, ngay trong ngày 25/5, ông Đỗ Anh Tuấn lại bán thầu lại hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO cho Công ty Trâm Anh. 

Đến ngày 28/5/2017, đại diện Công ty Trâm Anh là ông Bùi Mạnh Quốc đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để tiến hành sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 theo đúng nội dung đã ký kết giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn.

Tại đây, Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng hóa chất bị cấm dùng cho y tế để bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và để lượng hóa chất này tồn dư trong đường ống. Về phía bệnh viện, ông Trần Văn Sơn, một cán bộ của phòng Vật tư trang thiết bị bệnh viện đã không làm tròn trách nhiệm khi không giám sát quá trình sửa chữa.

Khi sửa xong, Quốc thông báo cho Sơn qua điện thoại là sáng hôm sau sẽ đến để bàn giao và lấy mẫu nước đi xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI. Sau đó, Sơn đã gọi điện cho một điều dưỡng đến khóa cửa và nói "... đã sửa xong, sáng mai có thể hoạt động bình thường".

Đến sáng ngày 29/5/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương cùng các bác sĩ trong Đơn nguyên thận nhân tạo có nghe điều dưỡng nói trên thông báo hệ thống lọc nước RO số 2 đã sửa xong nên đã chạy thận cho các bệnh nhân. Hậu quả, 9 bệnh nhân đã tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố các bị can Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Bùi Mạnh Quốc về tội "Vô ý làm chết người".

Đầu tháng 5/2018, TAND TP Hòa Bình xét xử 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn. Tại phiên toà này, Đỗ Anh Tuấn được triệu tập nhưng xin vắng mặt và ủy quyền cho luật sư. Sau 10 ngày xét xử, HĐXX tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 4/7, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố thêm 2 bị can Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc bệnh viện và ông Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra lại, tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương chuyển sang "Vô ý làm chết người".

Vào ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để làm rõ trách nhiệm của ông này trong sự cố chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại bệnh viện hồi tháng 5/2017.

Theo Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bo sung 2017 quy định về tội vô ý làm chết người:

-Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

-Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

Tú Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính