Bác sĩ gọi 37 cuộc điện thoại để thuyết phục gia đình người hiến tạng

Có ca, bác sĩ phải gọi 37 cuộc điện thoại mới có thể có được sự thỏa hiệp của gia đình. Có ca sau khi bộ phận kỹ thuật đã tiến hành đầy đủ các trình tự để bảo quản thì người nhà lại đến đòi về nên phải trả lại.

  PGS Trần Ngọc Anh, Thượng tọa Thích Nhật Từ và GS.TS Trịnh Hồng Sơn giải đáp các thắc mắc và tư vấn về hiến tạng tại chùa Pháp Vân.

PGS Trần Ngọc Anh, Thượng tọa Thích Nhật Từ và GS.TS Trịnh Hồng Sơn giải đáp các thắc mắc và tư vấn về hiến tạng tại chùa Pháp Vân.

Tại buổi lễ hiến tạng tập thể diễn ra tại chùa Pháp Vân, Hà Nội diễn ra mới đây, trong tổng số gần 500 người tham dự đã có khoảng 130 người làm thủ tục viết đơn tự nguyện hiến mô và bộ phận cơ thể ở người sau khi chết/chết não bao gồm giác mạc, thận, tụy, tim, gan, xương, phổi, sụn, gan, da, van tim, mạch máu…

Một người khi còn sống có thể hiến một quả thận, một lá phổi hoặc một phần lá gan. Nếu chết não thì có thể hiến được tất cả các mô, tạng còn lại như: tim, gan, thận, phổi, tuỳ, ruột, tử cung, da, gân, xương, giác mạc, mạch máu….

Trong buổi lễ, nhiều người chia sẻ muốn hiến mô/tạng sau khi chết/chết não nhưng người thân trong gia đình phản đối. 

  Nhiều người gặp phải khó khăn trong quá trình thuyết phục người thân để mình đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não

Nhiều người gặp phải khó khăn trong quá trình thuyết phục người thân để mình đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não

Nói về những khó khăn trong việc ai đó thuyết phục người thân đồng ý cho đăng ký hiến mô/tạng sau khi chết/chết não, PGS.TS Ngọc Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y, cho biết: “Đã có những trường hợp, khi cá nhân một người đồng ý hiến mô, tạng, xác cho y học nhưng sau khi người ấy qua đời, người thân trong gia đình đã không đồng ý để cho bác sĩ tiến hành.

Đã có những ca, bản thân tôi đã phải gọi đi gọi lại đến 37 cuộc điện thoại mới có thể có được sự thỏa hiệp của gia đình. Cũng có những trường hợp hiến xác, sau khi bộ phận kỹ thuật đã tiến hành đầy đủ các trình tự để bảo quản thì người nhà lại đến đòi về nên bệnh viện đành phải trả lại”.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng: “Người dân hiện vẫn chưa hiểu nhiều về vấn đề hiến mô tạng và xác… Có trường hợp, dù bệnh nhân đã chuẩn bị lên bàn chờ ghép, ê-kip làm việc vất vả, tốn kém, thế nhưng chỉ một người thân vào bảo: “Tôi không đồng ý” là mọi việc khép lại. Chúng tôi đành ngậm ngùi, buồn tiếc thôi. Phải làm sao để gia đình người hiến tạng hiểu, đồng ý thì vẫn là chuyện khó”.

Bác sĩ gọi 37 cuộc điện thoại để thuyết phục gia đình người hiến tạng 2

Trong buổi lễ, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ: “Nền văn hóa tâm linh Việt Nam có cái nhìn cấm kỵ về việc xâm phạm vào thi hài của người quá cố. Hiện nay, sự mê tín này đang làm trở ngại sự hảo tâm. Người mê tín dị đoan cho rằng hiến mô tạng sau khi chết thì kiếp sau khi tái sinh, người hiến tặng mô tạng sẽ có cơ thể không toàn vẹn, sẽ bị tàn tật…

Ngoài ra, còn những người không dám hiến mô tạng vì cho rằng sau khi chết, tâm thức chưa rời khỏi cơ thể, tồn tại trong thi thể khoảng 8 tiếng đồng hồ, bất kỳ ai đụng vào thi thể sẽ tạo ra cảm giác đau nhức tiếc nuối sự sống, khởi lên tâm sân hận, vì vậy mà bị tái sinh vào những cảnh giới xấu.

Đây là quan niệm mê tín 100%, thiếu khoa học và trái hoàn toàn với những lời dạy của Đức Phật trong Kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa. Thực ra, không có kinh nào dạy như thế, tại sao chúng ta phải tin theo.

Là Phật tử, thì chúng ta phải biết rằng thế giới này bị chi phối bởi luật nhân quả. Gieo nhân cao quý thì sẽ hưởng được quả cao quý. Hiến mô tạng là tạo ra sự sống lần thứ 2 ngay trong cuộc sống hiện tại này, trung bình từ 6- 12 bệnh nhân được cứu sống.

Hiến mô tạng như thế, các bạn đã gieo nhân phúc về sự sống cho người khác. Do vậy theo luật nhân quả, không có lý do gì kiếp sau thân thể của người hiến mô tạng không được vẹn toàn. Chẳng những được vẹn toàn thân thể, người hiến mô tạng còn có thân tướng hảo".

Bác sĩ gọi 37 cuộc điện thoại để thuyết phục gia đình người hiến tạng 3

Tính đến ngày 21/11, cả nước có 19.122 người đăng kí hiến tạng. Nguồn mô tạng được hiến còn quá giới hạn, trong khi nhu cầu thay thế cao: Vẫn còn khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, 1.500 bệnh nhân suy gan cần được ghép gan thay thế, hơn 300 ngàn người bị bệnh lý giác mạc cần thay thế giác mạc…

An Vy

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính