Tại trận đấu chiều tối qua, ở phút 56 trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Iran, tiền vệ Đức Huy đã có một pha va chạm mạnh với cầu thủ số 17 của đội bạn.
Sau đó, đầu của cầu thủ này đập mạnh xuống đất và lập tức được các bác sĩ đưa rời sân để chăm sóc.
Tiền vệ sinh năm 1995 chia sẻ, anh bị mất trí nhớ tạm thời, không còn nhớ mình được ra sân thi đấu trận gặp Iran. Tất cả thông tin từ sáng cùng ngày cho tới thời điểm bị chấn thương, Đức Huy đều không còn nhớ.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới ngày 13/1/2019, bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ - Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia cho biết: “Đức Huy bị mất trí nhớ tạm thời sau pha va chạm mạnh với cầu thủ Iran.
Đây không phải hiện tượng hiếm gặp trong thể thao. Những tình huống tranh chấp trong môn thể thao có tính đối kháng cực cao như bóng đá, boxing… rất dễ dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu và gây mất trí nhớ tạm thời.
Người bị mất trí nhớ tạm thời thường sẽ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau, quên mất đồ vừa để, quên các sự kiện mới diễn ra hoặc những thứ vừa đọc hoặc nhìn thấy trong khoảng 30 giây đến vài ngày.
Tình trạng này thường xảy ra ở người già, cũng có xuất hiện ở những người trẻ tuổi do gặp phải chấn thương chấn động mạnh ở đầu cũng gây nên chứng mất trí nhớ tạm thời”.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm, tình trạng của Phạm Đức Huy lúc này đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, cầu thủ này cần được bác sĩ theo dõi, chăm sóc thêm để không ảnh hưởng từ dư chấn sau pha va chạm mạnh.
Phạm Đức Huy là cái tên quen thuộc của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park. Tiền vệ này đã ra sân trọn vẹn vòng chung kết U23 châu Á và có những đóng góp nhất định tại ASIAD 2018.
Tại AFF Cup, Đức Huy cũng là người ghi bàn trong trận chung kết lượt đi giữa Malaysia và Việt Nam.
L.MinhBạn đang xem bài viết Bác sĩ ĐT Việt Nam nói gì về chứng mất trí nhớ tạm thời của tiền vệ Phạm Đức Huy? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].