BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cứu sống bệnh nhi sốt xuất huyết nặng
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), vừa qua BV đã tiếp nhận bệnh nhi H.N.G.H. (10 tuổi) khởi bệnh với triệu chứng sốt cao liên tục trong hai ngày. Đến ngày thứ ba, bé xuất hiện đau bụng, nôn ói dịch lợn cợn màu nâu, tay chân lạnh.

Bệnh nhi được điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC.
Người nhà lập tức đưa bé đến bệnh viện địa phương trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt 80/70 mmHg, chi mát, mạch yếu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3 và tiến hành điều trị chống sốc tích cực theo phác đồ.
Tuy nhiên, diễn tiến bệnh không thuận lợi nên bé nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, tổn thương gan mức độ nặng và được chuyển viện khẩn cấp lên TP Hồ Chí Minh.
Tại BV Nhi đồng Thành phố, bé H. được xác định sốc sốt xuất huyết nặng, kèm theo tổn thương đa cơ quan và yếu tố nguy cơ là béo phì (cân nặng gấp rưỡi mức trung bình cùng độ tuổi).
Vì vậy, các bác sĩ đã phải điều chỉnh phác đồ truyền dịch theo cân nặng thực tế, kết hợp truyền các dung dịch cao phân tử, albumin, thuốc vận mạch, sử dụng nhiều biện pháp theo dõi xâm lấn như đo huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương và bàng quang.
Bệnh nhi cũng được hỗ trợ hô hấp tối đa thở áp lực dương liên tục, sau đó chuyển sang thở máy xâm nhập. Đồng thời, các bác sĩ cũng tiến hành chọc dẫn lưu dịch màng bụng để giải áp.
Cùng với đó, tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa của bệnh nhi được kiểm soát nhờ truyền máu, huyết tương tươi, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, bổ sung vitamin K1 và điều trị hỗ trợ chức năng gan.
Sau gần 12 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi dần hồi phục, cai được máy thở, tỉnh táo, các chức năng gan, thận trở về bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, trường hợp này là minh chứng rõ ràng cho thấy trẻ thừa cân béo phì khi mắc sốt xuất huyết thường có diễn tiến bệnh nặng hơn, nguy cơ biến chứng cao, điều trị khó khăn hơn rất nhiều so với trẻ có cân nặng bình thường.
Bác sĩ khuyến cáo nâng cao công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa
Từ trường hợp điển hình nêu trên, bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo, mùa mưa là thời điểm muỗi vằn, trung gian truyền virus Dengue sinh sôi mạnh, vì vậy phụ huynh cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp như diệt muỗi, lăng quăng, cho trẻ ngủ mùng, vệ sinh môi trường sống.
Nếu trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày và có một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh lập tức đưa trẻ đến BV gần nhất để thăm, khám và điều trị: Bứt rứt, lừ đừ, li bì, nói sảng; Đau bụng, nôn ói; Chảy máu cam, nướu, ói ra máu hoặc tiêu phân đen; Tay chân lạnh, không muốn ăn uống, bỏ bú…
Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động đưa con em đi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết giành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Đặc biệt, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý theo tư vấn của chuyên gia cũng là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ, từ đó giảm nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc bệnh.

Vòng tuần hoàn lây lan bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue không chỉ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh mà còn tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội, khi phí điều trị cho những trường hợp bệnh diễn biến nặng thường rất cao, tạo gánh nặng tài chính không nhỏ cho gia đình và hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, thời gian để một người mắc sốt xuất huyết Dengue hồi phục hoàn toàn thường cần từ 1 đến 2 tuần, thậm chí lâu hơn nếu có biến chứng phải nhập viện. Trong suốt thời gian này, người bệnh phải chịu đựng những cơn sốt cao, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.
Đặc biệt, khi nhiễm bệnh nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh còn có nguy cơ sốc, xuất huyết nội tạng và thậm chí tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là bệnh gây sốt cấp tính do virus Dengue gây ra, được truyền cho người qua vết đốt của muỗi vằn (Aedes aegypti) mang virus.
Sau khi hút máu người mang virus Dengue từ 4 đến 10 ngày, muỗi bắt đầu truyền bệnh sốt xuất huyết cho đến hết vòng đời của chúng. Muỗi cái nhiễm virus Dengue còn chứa virus trong buồng trứng và truyền virus cho lăng quăng và các thế hệ muỗi kế tiếp.
Vòng tuần hoàn của bệnh sốt xuất huyết có thể hiểu như sau: khi muỗi đốt người bị bệnh, virus từ máu người bệnh sẽ truyền sang tế bào muỗi và tồn tại trong khoảng 12 ngày. Trong thời gian này, số lượng virus được nhân lên bên trong cơ thể muỗi, lây lan đến các tế bào thuộc nhiều bộ phận khác nhau cho đến khi lan đến tuyến nước bọt của muỗi. Khi đốt người khác, muỗi sẽ truyền virus sang cơ thể họ.
Muỗi vằn sinh sống ở những nơi như lọ hoa, xô chậu lau nhà, khay đựng bình nước nóng lạnh, khay nước nhỏ phía sau tủ lạnh, lốp xe, xoong nồi, chai nhựa, bát vỡ, mảnh sành, vỏ dừa đọng nước mưa, tủ quần áo, gầm giường, góc tủ, chăn màn…
Sốt xuất huyết không phải là bệnh lây trực tiếp từ người sang người, vì vậy chúng ta có thể chủ động đề phòng bằng cách diệt muỗi hoặc tránh bị muỗi đốt bằng một số biện pháp đơn giản sau đây: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để loại bỏ nơi đẻ trứng và trú ẩn của muỗi; Không xả rác bừa bãi nhằm loại bỏ những nơi ẩm ướt thu hút muỗi và là môi trường tốt cho muỗi sinh sôi; Dùng rèm che, màn chống muỗi để ngăn mỗi đốt, đặc biệt là ở vùng nông thôn; Mặc quần áo dài tay và có đủ độ dày và độ rộng để che kín da; Bôi thuốc chống muỗi cũng là cách phòng chống sốt xuất huyết cho trẻ em và người lớn rất hiệu quả vì trong các sản phẩm này có chứa hợp chất DEET có tác dụng đuổi côn trùng, đặc biệt là muỗi, khiến muỗi không dám lại gần; Dùng thuốc diệt muỗi, tinh dầu hoặc nhang trừ muỗi; Phát quang bụi rậm để phá hủy nơi trú ẩn và sinh sản muỗi; Phối hợp với địa phương phun hóa chất phòng dịch định kỳ 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa.
Bên cạnh các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết nói trên, nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết người dân cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo thống kê gần nhất, tính từ ngày 05/5/2025 đến 11/5/2025 (tuần 19), tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 5,4% so với trung bình 4 tuần trước nâng tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay là 7.398 ca.
Phạm Sinh
Bạn đang xem bài viết Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM khuyến cáo cách phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].