Mới đây, cộng đồng mạng không ngừng chia sẻ với nhau bức ảnh xúc động: một cụ bà ôm chặt cụ ông từ phía sau.
Bức ảnh có sức mạnh hơn ngàn lới nói: chuyện tình yêu của người già đã đáng quý. Mà không phải cụ ông cụ bà nào cũng có thể vượt qua e ngại để biểu lộ tình cảm ấy.
Vậy mà khi đọc những dòng chia sẻ cùng bức ảnh, ta càng cảm thấy xúc động và cảm phục câu chuyện của hai cụ, cũng như tình cảm sâu đậm đáng trân quý của cả một đại gia đình.
Người chụp và chia sẻ bức ảnh là chị Trần Giang, con gái của hai cụ, sống tại Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Được biết, cụ ông là Trần Đại, 80 tuổi, còn cụ bà Nguyễn Thị Vượng, năm nay 76 tuổi.
Hai cụ đã sống bên nhau 58 năm, luôn hết mực chăm sóc cho nhau và cũng không ngần ngại bày tỏ tình cảm cho nhau như chính lời cụ ông nói: 'Tình cảm thật, phải trân trọng’.
Những lời của chị chân thành và sâu lắng, cho thấy tình yêu đáng ngưỡng mộ của hai cụ và cũng như tình cảm, sự hiếu thảo hết lòng của chị với bổn phận người con.
Vì vậy Gia đình mới xin được trích nguyên văn đoạn chia sẻ:
'Tôi chụp được khoảnh khắc này khi tôi nhẹ nhàng bước vào phòng mà Bố Mẹ không biết. Bố dựa vào
Mẹ, hình như đang lau nước mắt. Mẹ ôm Bố từ đằng sau, má tựa vào vai Bố với nét mặt rất an yên.
Gần một tháng trời mấy mẹ con đưa bố hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhiều lần tưởng Bố không qua khỏi, nhưng không đứa nào dám khóc vì sợ mẹ lo lắng và buồn.
Vậy mà khi thấy hình ảnh này, chẳng hiểu sao tôi khóc hu hu rồi vội vàng chạy ra khỏi phòng vì sợ bố mẹ phát hiện.
Gần một tháng trời, khi tỉnh lại giữa những cơn mê, câu đầu tiên của bố bao giờ cũng là hỏi về mẹ: 'Bà khỏi mệt không?' 'Bà ăn gì chưa?' 'Bà cố lên nhé!' 'Bà khó nhọc về tôi quá!'...
Gần một tháng trời Bố nằm viện mẹ không rời nửa bước, con cái bắt về nhà nghỉ ngơi cũng không nghe.
Câu nói nhiều nhất mà tôi được nghe từ mẹ là: 'Chỉ cần bố mày sống, còn ốm yếu thế nào mẹ cũng hầu được, vất vả thế nào mẹ cũng chịu được.'
Đã có lần tôi đọc được ở đâu đó viết về một cuộc tình đẹp, đại ý thế này: 'Đó là cuộc tình mà người ta cộng vào nhau cái ân cái nghĩa, cái tình cái thương.
Người ta có thể không nhớ đã cưới nhau bao nhiêu năm, nhưng luôn nhớ bạn đời của mình thích gì, nghĩ gì, muốn gì, mong gì ...
Là khi tay này có lạnh có run thì vẫn đầy hơi ấm bàn tay của nửa còn lại. Là khi chân này có cần ba toong thì cái ba toong xịn nhất luôn là người bạn đời của mình.
Là khi không thể tự mình ngồi được thì chỗ dựa tin cậy nhất, êm ái nhất luôn là người đàn ông ấy, người phụ nữ ấy của đời mình.'
Nhớ lại một lần hôm ý bố đã bớt mệt, mẹ tranh thủ về qua nhà, mẹ mới về được khoảng vài tiếng đồng hồ mà bố phải hỏi 'Mẹ con đâu?' 'Mẹ con lên viện chưa?' đến 5,6 lần.
Ông anh trai tôi mới bảo: 'Mẹ con sắp lên rồi, bố nhớ mẹ quá à?'
Bố gật đầu, hai anh em nhìn nhau cười khúc khích, thế là bố bảo: 'Bố chả có gì phải xấu hổ đâu, tình cảm thật, phải trân trọng'.
Gần 60 năm bên nhau, bố mẹ vẫn cứ yêu nhau như thế, và viết lên một cuộc tình đẹp bằng tình yêu của mình mỗi ngày!'
Đây không phải lần đầu chị Giang chia sẻ về tình cảm của bố mẹ mình dành cho nhau. Và tình cảm ấy không chỉ thể hiện bằng những cái ôm đầy cảm xúc, mà còn bởi cách ông bà chăm chút cho nhau từng li từng tí.
Chắc chắn những người con hiếu thảo như chị Giang hay anh em của chị không nề hà bất cứ việc gì chăm sóc bố.
Thế nhưng bà vẫn tự tay làm mọi việc chăm ông, từ đun nước để ông ngâm chân rồi xoa bóp cho ông. Thậm chí bà còn tự tay cắt móng chân cho ông.
Qua bất cứ lời chia sẻ nào của chị Giang cũng có thể hiểu được tình cảm ông bà dành cho nhau cao cả thế nào, và bên cạnh đó là sự hiếu thảo, đầy yêu thương của một người con dành cho gia đình.
Có lẽ chính bởi một gia đình được xây nên bởi nền tảng là tình cảm hạnh phúc, sự kính yêu và trân trọng, yêu thương lẫn nhau như vậy nên không có gì lạ khi đại gia đình thành công, với những người con thành đạt, những người cháu học hành giỏi giang và hết mực hiếu thảo.
Chỉ một bức ảnh có thể nói được quá nhiều điều, và nó càng đặc biệt đáng quý trong thời đại ngày nay, khi mà nhiều giá trị gia đình, tình cảm bị đảo lộn.
Mỗi chúng ta hãy tự nhìn lại mình, ta đã đủ hiếu thảo với cha mẹ, biết trân trọng tình cảm vợ chồng, với con cái nói riêng và với mỗi người thân trong gia đình?
Như lời chị Giang nói trong một chia sẻ: ‘Hãy tận hưởng niềm hạnh phúc mang tên ‘Cha Mẹ còn’’ trước khi quá muộn.
Thảo NguyênBạn đang xem bài viết Ảnh cụ ông và cụ bà khiến cộng đồng suy nghĩ lại cách cư xử với cha mẹ và vợ chồng tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].