Rau mồng tơi là món ăn thanh mát và bổ dưỡng, thích hợp sử dụng vào những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại ăn rau mồng tơi có thể ảnh hưởng đến tình trạng đau xương khớp. Vậy cùng giải đáp thắc mắc ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không qua bài viết dưới đây nhé!
1 Giới thiệu rau mồng tơi
Rau mồng tơi là gì?
Rau mồng tơi có tên khoa học là Basella alba thuộc họ Mồng tơi (Basellaceae), là loại cây thân thảo lâu năm, mọng nước và được trồng làm rau. Rau mồng tơi có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới Nam Á như Srilanka, Ấn Độ hay Indonesia, cây phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm áp và môi trường đất thoát nước tốt.
Rau mồng tơi còn có khả năng thích nghi với nhiều loại đất cũng như điều kiện khí hậu khác nhau nên đây được xem là một trong những loại rau nhiệt đới ngon nhất thế giới. Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng dồi dào trong rau mồng tơi đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như điều trị trầm cảm, cải thiện sức khỏe tim mạch và điều trị ung thư.
Do vậy, hãy bổ sung rau mồng tơi vào thực đơn hàng ngày để tận hưởng hương vị thơm mát tự nhiên cùng nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe của bạn.
Rau mồng tơi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tốt cho tim mạch và hỗ trợ điều trị ung thư
Thành phần dinh dưỡng có trong rau mồng tơi
Cứ mỗi 44 gam rau mồng tơi sẽ cung cấp 10 calo cùng với nguồn dinh dưỡng dồi dào bao gồm: 50 µg vitamin B9, 55 mg canxi, 21 mg magie, 0,65 mg sắt và 0,049 mg đồng.
Ngoài ra, rau mồng tơi rất giàu protein và là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A, phospho, kali tuyệt vời cho cơ thể. Nó có lượng lớn chất chống oxy hóa như lutein và beta carotene giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do.
Rau mồng tơi chứa lượng vitamin và khoáng chất dồi dào gồm vitamin B9, canxi, magie và sắt
2 Ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không?
“Ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không?” chắc là là nỗi băn khoăn của nhiều người mắc bệnh xương khớp khi muốn thưởng thức món ăn thanh mát này, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng.
Đến hiện nay, không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc ăn mồng tơi sẽ ảnh hưởng xấu đến xương khớp. Không chỉ vậy, loại rau này còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp như canxi, sắt, saponin, polysaccharide, pectin và vitamin C.
Từ lâu, trong Đông y đã có nhiều bài thuốc từ rau mồng tơi giúp chữa đau nhức xương khớp, gãy xương. Đồng thời, ăn nhiều rau mồng tơi còn là bài thuốc tự nhiên có tác dụng đẩy lùi oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Rau mồng tơi giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp hiệu quả
3 Lợi ích của rau mồng tơi đối với xương khớp
Cung cấp vitamin K
Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin K - một vitamin tan trong chất béo mà cơ thể cần để tạo ra các protein tái tạo xương, giúp xương chắc khỏe. Trong đó, osteocalcin là một protein được kích hoạt nhờ vitamin K để tạo mô xương và ngăn ngừa tình trạng loãng xương.
Trong rau mồng tơi có chứa nhiều vitamin K giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương
Cung cấp canxi
Canxi góp phần hình thành và duy trì xương chắc khỏe. Tuy nhiên, cơ thể không tự sản xuất được hoạt chất này mà cần bổ sung thông qua chế độ ăn uống.
Rau mồng tơi là nguồn thực phẩm chứa nhiều canxi, giúp cung cấp canxi cho xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương.
Rau mồng tơi là một trong những nguồn thực phẩm chứa nhiều canxi
Cung cấp chất xơ
Chất xơ giúp duy trì cân bằng nước trong cơ thể, có lợi cho hệ tiêu hoá. Bên cạnh đó, bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống còn giúp bạn kiểm soát béo phì, giảm áp lực lên xương khớp, đặc biệt ở vùng khớp gối.
Lượng chất xơ trong rau mồng tơi giúp kiểm soát béo phì và giảm áp lực vùng khớp
Cung cấp kali
Kali là một chất khoáng quan trọng giúp duy trì cân bằng nước và điện giải giữa các tế bào xương khớp, giúp duy trì chức năng và độ mềm mại của chúng.
Rau mồng tơi cung cấp kali giúp duy trì chức năng xương khỏe mạnh
Cung cấp magie
Magie đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe xương. Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đầy đủ magie giúp làm giảm tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh và người cao tuổi.
Thiếu magie có thể được xem là một trong các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh loãng xương. Điều này được chứng minh thông qua các ảnh hưởng của magie đến sức khỏe xương bao gồm:
- Magie có tác động đến các loại tế bào và nguyên bào xương - cần cho việc phát triển và sửa chữa xương. Do vậy, việc thiếu hụt magie sẽ làm thay đổi cấu trúc và kích thước các tinh thể xương.
- Giảm nồng độ hormone tuyến cận giáp (PTH) và vitamin D, ảnh hưởng đến cân bằng nội môi xương.
- Gia tăng các protein gây viêm (cytokine) ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tái tạo xương.
- Gây rối loạn chức năng nội mô, ảnh hưởng đến lưu lượng máu cần thiết cho xương.
- Ảnh hưởng đến khả năng đệm của cơ thể dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa, làm mất canxi từ xương và làm suy giảm quá trình khoáng hóa xương.
Do vậy, việc sử dụng rau mồng tơi sẽ bổ sung một lượng magie vào chế độ ăn uống hàng ngày giúp bảo vệ sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương.
Sử dụng rau mồng tơi giúp bổ sung lượng magie cần thiết để bảo vệ sức khỏe xương
Giảm chất béo, cholesterol
Rau mồng tơi chứa pectin - một chất nhầy có tác dụng hấp thụ cholesterol hiệu quả và khóa chặt các mảng bám ở thành ruột khiến chúng không thể đi vào vào máu. Từ đó, giúp làm giảm khả năng tích tụ cholesterol xấu (LDL) trong khớp, hạn chế tình trạng viêm đau và thoái hóa sụn khớp.
Thường xuyên sử dụng rau mồng tơi trong chế biến bữa ăn hàng ngày như nấu, xào hay luộc giúp đào thải cholesterol và mỡ dư thừa qua phân, làm sạch ruột. Qua đó, làm giảm nguy cơ béo phì, rối loạn mỡ máu và mắc các bệnh xương khớp.
Pectin có chứa trong rau mồng tơi giúp làm giảm tích tụ cholesterol xấu trong khớp
4 Cách dùng rau mồng tơi trị đau nhức xương khớp
Nấu canh mồng tơi chân giò cùng một ít rượu gạo có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp hiệu quả.
Chuẩn bị nguyên liệu: 300 gam giò heo, 200 gam rau mồng tơi cùng một ít rượu trắng.
Cách làm: Nhặt rau rồi rửa sạch với nước, để ráo. Giò heo mua về hơ qua lửa cho sạch lông, rửa sạch rồi chặt ra miếng vừa ăn. Cho giò vào nồi, thêm ít muối luộc qua rồi rửa lại. Đảo qua chân giò với hành, dầu trên bếp rồi cho nước vào ninh đến khi nhừ. Tiếp tục cho rau mồng tơi vào đun sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm rượu và thưởng thức.
Chăm chỉ sử dụng canh mồng tơi chân giò thường xuyên để thấy được hiệu quả điều trị nhanh chóng nhé.
Bài thuốc canh mồng tơi chân giò giúp trị đau nhức xương khớp hiệu quả
5 Ai không nên ăn rau mồng tơi?
Sỏi thận
Rau mồng tơi có chứa hàm lượng axit oxalic tương đối cao. Khi nạp vào cơ thể, axit oxalic kết hợp với canxi sẽ tạo thành tinh thể canxi oxalat, gây lắng đọng tủa tạo thành sỏi thận. Do đó, ăn quá nhiều rau mồng tơi có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, tăng kích thước sỏi, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Hàm lượng axit oxalic cao trong rau mồng tơi có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận
Bệnh gout
Mồng tơi là loại rau chứa hàm lượng lớn purin - một chất chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể. Hàm lượng axit uric trong máu tăng cao là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh gout.
Do vậy, người đang bị bệnh gout hoặc tăng axit uric máu nên hạn chế hoặc kiêng dùng rau mồng tơi dưới bất kỳ hình thức nào.
Bệnh nhân bị gout không nên sử dụng rau mồng tơi trong chế độ ăn hàng ngày
Tiêu chảy
Những người đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn mồng tơi vì mồng tơi thường được dùng để thêm tân dịch, trị táo bón nhờ vào tính hàn và nhuận tràng của nó. Do vậy, những người đang bị tiêu chảy nếu sử dụng rau mồng tơi sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Bệnh nhân bị tiêu chảy không nên sử dụng rau mồng tơi vì tính nhuận tràng của nó
Đau dạ dày
Ăn rau mồng tơi quá nhiều có thể khiến dạ dày bị khó chịu do có chứa hàm lượng chất xơ dồi dào. Do đó, những người bị đau dạ dày tốt nhất không nên sử dụng rau mồng tơi trong các bữa ăn hàng ngày.
Dạ dày có thể bị khó chịu do hàm lượng chất xơ cao trong rau mồng tơi
Người mới lấy cao răng
Trong rau mồng tơi có chứa axit oxalic không hòa tan được trong nước nên rất dễ hình thành các mảng bám trên răng. Vì thế trong khoảng 1-2 tuần sau khi lấy cao răng tốt nhất không nên ăn rau mồng tơi.
Người mới lấy cao răng tốt nhất không nên ăn rau mồng tơi
6 Các tác hại của rau mồng tơi với sức khỏe
Rau mồng tơi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng không đúng cách và liều lượng có thể dẫn đến một số tác hại không mong muốn cho sức khỏe như:
- Cản trở hấp thụ sắt và canxi do kết hợp với axit oxalic trong mồng tơi tạo thành các phức khó tan. Do vậy, nên dùng kèm các thực phẩm giàu vitamin C để trung hòa axit oxalic khi ăn rau mồng tơi.
- Tăng nguy cơ sỏi thận và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh ở những người đã mắc nếu ăn quá nhiều.
- Hình thành các mảng bám trong răng.
- Gây khó chịu cho dạ dày khi sử dụng rau mồng tơi quá nhiều.
- Làm tăng axit uric máu do rau mồng tơi có chứa nhiều purin.
- Sử dụng ở liều cao gây lạnh bụng và tiêu chảy.
Ăn rau mồng tơi kèm các thực phẩm giàu vitamin C để tránh cản trở hấp thụ sắt và canxi
Xem thêm:
- Gai xương: Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị
- Uống nước gì tốt cho xương khớp? 8 loại đồ uống giúp xương chắc khỏe
- Glucosamine là gì? Tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ khi sử dụng
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc "ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không?" đồng thời cung cấp thêm những lợi ích của rau mồng tơi đối với xương khớp. Mặc dù được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày nhưng bạn cũng cần lưu ý một số tác hại của rau mồng tơi đối với sức khỏe trong nhiều trường hợp nhé!
Bạn đang xem bài viết Ăn rau mồng tơi có bị đau xương khớp không? Lưu ý khi sử dụng tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].