Đường là một gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày của mọi người. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều đường trong ăn uống lại có thể gây các tác hại nghiêm trọng cho bản thân. Cùng tìm hiểu về tác hại của đường đối với sức khỏe qua bài viết dưới đây nhé!
1 Ăn nhiều đường có tốt không?
Đường là một loại carbohydrate có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Qua quá trình tiêu hóa, đường sẽ được chuyển hóa thành glucose trong máu và đem đến năng lượng cho các tế bào.
Dù vậy, chế độ ăn quá nhiều đường dẫn đến khó kiểm soát glucose máu có thể đem đến nhiều tác hại cho cơ thể như:
- Bệnh đái tháo đường.
- Bệnh lý tim mạch.
- Tăng tình trạng nhiễm trùng.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Hôn mê toan ceton.
Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường
2 Bổ sung bao nhiêu đường là đủ?
Đường là một chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động sống của các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn vừa đủ lượng đường mỗi ngày để tránh gây ra những bệnh lý nguy hiểm.
Nhu cầu đường cần sử dụng mỗi ngày gồm:
- Phụ nữ: khoảng 6 muỗng cà phê tương ứng với 24g đường.
- Nam giới: khoảng 9 muỗng cà phê ứng với 36g đường.
- Trẻ dưới 2 tuổi: không nên sử dụng đường.
Lượng đường cần cho cơ thể tùy thuộc vào từng đối tượng khác nhau
3 Triệu chứng ăn quá nhiều đường
Khi tiêu thụ quá nhiều đường khiến nồng độ glucose trong máu khó hoặc mất kiểm soát có thể dẫn đến một số triệu chứng như:
- Cơ thể mệt mỏi, kém tỉnh táo.
- Hàm lượng đường cao làm gia tăng tỷ lệ mắc trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc.
- Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như đầy hơi, khó tiêu hoặc xuất hiện hội chứng ruột kích thích.
Cơ thể bạn có thể mệt mỏi nếu tiêu thụ quá nhiều đường
4 Tác hại nếu ăn quá nhiều đường
Việc ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề đối với sức khỏe như:
Tăng cân
Chế độ ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng cơ thể kháng lại hormone leptin. Loại hormon này có nhiệm vụ truyền tín hiệu cho não bộ rằng bạn đã ăn đủ và nên dừng lại.
Vì thế, khi bị kháng leptin có thể khiến bạn ăn mất kiểm soát dẫn đến tăng cân. Từ đó có thể khiến bạn dễ bị thừa cân và béo phì.
Chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng tăng cân
Tăng nguy cơ bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu của Quanhe Yang-Tiến sĩ, Phòng bệnh tim và phòng chống Đột Quỵ đã tiến hành nghiên cứu trên 30.000 người cho thấy những người tiêu thụ 17–21% calo từ các sản phẩm chứa đường vào có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 38%, so với những người chỉ tiêu thụ 8% calo.
Chế độ ăn nhiều đường làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch có thể do:
- Rối loạn chuyển hóa.
- Viêm nhiễm.
- Béo phì.
- Rối loạn mỡ máu.
Bạn có thể gặp các bệnh lý tim mạch nếu thường xuyên ăn quá nhiều đường
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Nồng độ glucose máu có liên quan mật thiết đến bệnh tiểu đường tuýp 2 do tình trạng đáp ứng của insulin. Việc tiêu thụ nhiều đường trong thời gian dài sẽ dẫn đến kháng insulin khiến lượng đường trong máu tăng lên và làm tăng mạnh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đái tháo đường tuýp 2 là bệnh lý hay gặp khi ăn nhiều đường
Nguy cơ ung thư
Chế độ ăn uống nhiều đường có thể gây ra bệnh béo phì, viêm nhiễm khiến nguy cơ ung thư gia tăng. Theo phân tích tổng quan trên 37 nghiên cứu trong 2 năm cho thấy ăn nhiều đường làm tỷ lệ mắc ung thư tăng khoảng 65 - 95%.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên 22.700 nam giới trong 9 năm cho thấy tiêu thụ đồ ăn nhiều đường có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư
Gan nhiễm mỡ
Fructose là một loại đường phổ biến có trong siro ngô, nước ngọt, bánh kẹo hoặc ngũ cốc. Loại đường này sẽ được chuyển hóa thành năng lượng tại gan hoặc dự trữ dưới dạng glycogen.
Tuy nhiên, khi nồng độ fructose trong cơ thể quá cao, gan sẽ bị quá tải trong việc chuyển hóa và biến đổi fructose thành chất béo. Điều này dẫn đến sự tích tụ chất béo trong gan, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh gan nghiêm trọng như viêm gan cấp tính, viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan. Những bệnh này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng gan và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của cơ thể.
Ăn nhiều đường có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ
Tăng quá trình lão hóa da và tế bào
Mức độ lão hóa có liên quan đến cấu trúc telomere của nhiễm sắc thể. Telomere là đoạn đầu giúp bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi sự tấn công của điều kiện môi trường và tuổi tác.
Khi đoạn telomere ngắn đi sẽ khiến tốc độ lão hóa da và tế bào diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt, chế độ ăn uống quá nhiều đường là nguyên nhân thúc đẩy quá trình nhanh chóng và khiến bạn già đi.
Tốc độ lão hóa của cơ thể sẽ diễn ra nhanh hơn nếu ăn nhiều đường
Nổi mụn
Ăn quá nhiều đường trong ngày có thể khiến lượng glucose trong máu tăng đột biến, ảnh hưởng đến đáp ứng của insulin và làm tăng nồng độ androgen. Chính đều này có thể khiến da dễ bị viêm bởi vi khuẩn Acnes tạo ra mụn trứng cá.
Nổi mụn trứng cá là hiện tượng thường gặp nếu thường xuyên ăn đường
Sâu răng
Việc bạn ăn các thực phẩm nhiều đường mà không vệ sinh răng miệng đúng cách. Điều này có thể khiến đường bám trên răng trong một thời gian dài và tạo thành axit gây bào mòn men răng, sâu răng.
Bạn có thể bị sâu răng nếu ăn quá nhiều đường
Tăng nguy cơ bệnh thận
Nồng độ glucose, fructose trong máu cao liên tục có thể làm tổn thương hệ thống cầu thận. Điều này có thể dẫn đến một số tình trạng như:
- Khả năng lọc máu của thận suy giảm gây suy thận, rối loạn điện giải.
- Mất lượng lớn protein ra ngoài cơ thể trong hội chứng thận hư.
Chế độ ăn nhiều đường có thể gây ra các bệnh của thận
Nguy cơ phát triển bệnh gút
Bệnh gút liên quan đến quá trình viêm nhiễm tại màng hoạt dịch do tinh thể axit uric. Lượng đường trong máu cao sẽ làm quá trình viêm nặng nề hơn và phát triển đợt gút cấp.
Để kiểm soát bệnh gút, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu purin và giảm lượng đường trong khẩu phần ăn. Đồng thời, duy trì cân nặng hợp lý và kiểm tra định kỳ mức axit uric trong máu sẽ giúp ngăn ngừa các cơn đau gút tái phát.
Ăn thực phẩm nhiều đường có thể làm khởi phát đợt gút cấp
Đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức
Chế độ ăn nhiều đường có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh và não bộ. Tình trạng này thường gặp trong một số bệnh lý như:
- Suy giảm trí nhớ.
- Sa sút trí tuệ.
- Đột quỵ.
- Alzheimer.
Thường xuyên sử dụng đường có thể làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer
Ảnh hưởng xấu đến tâm lý, hành vi
Khi tâm trạng không tốt, bạn thường muốn được ăn một chút đồ ngọt để cân bằng cảm xúc do đường có khả năng kích thích giải phóng hormone dopamine. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều đường có thể làm rối loạn hệ dẫn truyền dopaminergic và làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
Sử dụng quá nhiều đường có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng, tăng tỷ lệ trầm cảm
Suy giảm miễn dịch
Tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến cơ thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát glucose trong máu. Chính lượng đường này là môi trường thích hợp để vi khuẩn và ký sinh trùng sinh sôi nhanh chóng gây bệnh nhiễm trùng.
Sử dụng quá nhiều đường có thể gây suy giảm miễn dịch
Rối loạn nội tiết
Thường xuyên ăn nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự rối loạn hormon trong cơ thể như:
- Cường androgen.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gặp ở người ăn quá nhiều đường
Rối loạn chuyển hóa và suy dinh dưỡng
Nếu bạn áp dụng chế độ ăn nhiều đường mà không cân bằng với các nhóm chất dinh dưỡng khác như protein, chất béo tốt và chất xơ cũng có thể gây rối loạn chuyển hóa. Thậm chí, là suy dinh dưỡng do thiếu hụt một số nhóm chất kể cả khi thừa cân, béo phì.
Việc ăn quá nhiều đường mà không cân bằng các nhóm chất sẽ gây suy dinh dưỡng
5 Biện pháp giảm lượng đường
Đường là một chất dinh dưỡng thường gặp trong rất nhiều thực phẩm hàng ngày. Vì thế, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau để giảm lượng đường trong máu như:
- Hạn chế sử dụng các đồ uống, nước ngọt chứa đường hóa học.
- Sử dụng nước ép trái cây, cà phê đen hoặc trà để giải khát.
- Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như khoai lang, gạo lứt, yến mạch.
- Thực hiện trình tự ăn trong mỗi bữa ăn từ rau xanh, thịt cá đến cơm trắng cuối cùng.
- Giảm ăn vặt, ăn bánh kẹo mỗi ngày.
Bạn nên thay thế nước ngọt bằng nước ép trái cây để giảm tiêu thụ đường
Xem thêm:
- Glucose là gì? Lợi ích của glucose với sức khỏe
- 1 ngày ăn bao nhiêu đường là đủ? Lưu ý khi sử dụng đường hằng ngày
- Đường ăn kiêng là gì? Dùng đường ăn kiêng có tốt không? Lưu ý khi dùng
- 9 thực phẩm chứa nhiều đường glucose bạn nên biết
Hy vọng bài viết trên đã giải giúp bạn hiểu hơn về các tác hại khi sử dụng đường quá mức. Bạn hãy xây dựng cho mình lối sống lành mạnh và ăn đủ lượng đường mỗi ngày để hạn chế bệnh tật nhé!
Bạn đang xem bài viết Ăn nhiều đường có tốt không? 15 tác hại của đường với sức khỏe tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].