TS. BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng & tiết chế, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho biết, khoảng từ 21 giờ - 23 giờ là thời gian hệ miễn dịch thải độc, lúc này cơ thể nên ở trạng thái yên tĩnh hoặc nghe nhạc thư giãn. Từ sau 23 giờ là thời điểm bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say.
Nếu ăn đêm sau 23 giờ, vô tình làm gián đoạn quá trình thải độc này, chưa kể, việc thường xuyên đi ngủ muộn thường sẽ dẫn đến những hậu quả xấu về sức khỏe.
“Theo sinh lý bình thường, sau 23 giờ là lúc mọi người nên nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng và các cơ quan cũng giảm hoạt động, chỉ hoạt động duy trì các chuyển hóa cơ bản. Chính vì lý do đó nên không nên ăn muộn!”, TS. Nguyễn Trọng Hưng cho biết.
Việc ăn đêm trước tiên ảnh hưởng rất lớn đến cơ quan dạ dày của con người. Thói quen ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Và nhiều nghiên cứu chỉ ra, người thường xuyên ăn đêm có nhiều nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày hơn những người ăn đúng bữa. Bởi vì, ăn khuya rồi đi ngủ sẽ làm lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết, lượng thức ăn dư thừa này sẽ lên men gây đầy bụng.
Theo bác sĩ, ăn đêm ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng của con người. Khi về đêm, cơ thể gần như nghỉ ngơi, mọi người cũng không hoạt động thể lực, năng lượng nạp vào sẽ tích luỹ gây tăng cân, về lâu dài có thể dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì. Cân nặng cũng là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều bệnh lý khác như cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường…
Việc ăn đêm còn có thể khiến con người uể oải, khó tập trung, giảm trí nhớ, ăn không ngon. Bởi theo đúng đồng hồ sinh học, việc ăn đêm “đánh cắp” một khoảng thời gian giấc ngủ của con người, khiến tinh thần không thể tập trung vào ngày hôm sau.
Vì sau khi ăn một số người cũng cần có thời gian mới vào được giấc ngủ, hoặc trong bữa ăn có sử dụng các thực phẩm gây kích thích thần kinh cũng làm cho sau ăn khó vào giấc ngủ. Vì vậy, với những người có thói quen ăn đêm thường dễ cáu bẳn, nóng nảy hơn người đi ngủ sớm do não căng thẳng hơn bình thường.
Ngoài ra, thói quen này còn kéo tới tình trạng đau mỏi cơ, chuột rút. Đặc biệt với những người tập thể hình, việc ăn đêm, thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển cơ bắp.
Với phụ nữ, ăn đêm, ngoài chuyện cân nặng, tích mỡ, nó còn kéo đến việc đẩy nhanh quá trình lão hoá, cơ thể thiếu sinh khí, da sần sùi, nổi mụn. Nhất là những bữa ăn đêm có nhiều dầu mỡ, khó tiêu hoá và nhiều đồ cay nóng.
Bởi vì, từ 22 giờ, da bắt đầu về trạng thái dưỡng và hồi phục. Khi ăn đêm sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng.
Bên cạnh đó ăn đêm - thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người sinh hoạt khoa học.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều người vì tính chất công việc vẫn phải ăn đêm, ăn muộn. TS. BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, nếu mắc bệnh lý mà công suất làm việc kéo dài, phải lặp lại chu trình ăn muộn, người bệnh nên xin chỉ định của bác sĩ để có bữa ăn hợp lý.
Riêng với những người đang giữ thói quen ăn muộn, thường đói về đêm có thể ăn các bữa nhẹ (ít năng lượng) để dự phòng nguy cơ thừa cân-béo phì hoặc làm nặng hơn tình trạng thừa cân-béo phì cũng như các nguy cơ khác mà cơ thể đang mắc.
Mọi người có thể sử dụng bữa ăn đêm với sữa chua, hoa quả, yến mạch hoặc rau củ luộc. Đặc biệt, hạn chế tối đa thức ăn giàu năng lượng, khó tiêu, nhiều dầu mỡ.
H.NBạn đang xem bài viết Ăn đêm sau 23 giờ gây thảm họa cho dạ dày và nhiều chứng bệnh khác tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].