Năm 2016, ông Nguyễn Đăng Mị (thôn Nghi Khúc xã An Bình) nhận thấy địa phương không trồng cây do các hộ dân đi làm ăn xa, nên ông thuê thầu lại 5ha đất nông nghiệp và quy hoạch thành khu trồng cây ăn quả, nuôi cá. Với chi phí ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, trên bờ ông trồng khoảng 5 nghìn gốc bưởi, 1 nghìn gốc ổi, dưới ao thả cá rô phi và trê lai. Từ mô hình này, mỗi năm, gia đình ông thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3-4 lao động địa phương.
“Với nhiều cơ chế khuyến khích và hỗ trợ tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp của địa phương đã giúp nông dân có cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư cơ giới vào sản xuất, năng suất cây trồng ổn định hơn, đặc biệt sản phẩm được sản xuất tập trung, số lượng lớn nên dễ tiêu thụ sản phẩm”, ông Mị cho biết.
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã An Bình khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề thương mại, dịch vụ và nghề truyền thống. Năm 2022, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng đạt hơn 677 ha, năng suất bình quân lúa vụ xuân đạt 66,3tạ/ha, vụ mùa đạt 56,8tạ/ha; diện tích cây rau mầu vụ đông và vụ xuân đạt 82 ha, năng suất đạt 140 tạ/ha.
Bên cạnh việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Xã An Bình xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ đất ruộng sang đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hàng hóa, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Nổi bật là đẩy mạnh phát triển diện tích cây dưa chuột, ngô, đỗ …cho thu nhập bình quân từ 100 - 110 triệu đồng/ha; xây dựng được 9 vùng sản xuất lúa tập trung tại 4/6 thôn, trong đó: thôn Giữa 2 vùng, thôn Yên Ngô 2 vùng, thôn Thường Vũ 2 vùng, thôn Nghi Khúc 3 vùng. Tổ chức mở được 2 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tại đơn vị thôn Đường, thôn Giữa với 110 hội viên tham gia.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, do đó xã An Bình triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa trang trại chăn nuôi ra xa khu dân cư vừa có quỹ đất để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đến nay, tổng đàn vật nuôi toàn xã có 20.872 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi xã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm phòng với 24.000 liều vacxin đối với đàn gia cầm, dịch tả trên đàn lợn tiêm được 500 liều, dịch tai xanh lợn nái tiêm được 70 liểu; lở mồm long móng trên đàn lợn và đàn trâu bò tiêm được 125 liều.
Hiện nay toàn xã có 9 trang trại với diện tích từ 1 ha trở lên, trong đó có 2 trang trại chăn nuôi và 7 trang trại thủy sản; 18 mô hình kinh tế VAC…Các trang trại và mô hình kinh tế đã khai thác triệt để diện tích nuôi trồng để phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo hướng bán công nghiệp cho thu nhập cao.
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của xã An Bình còn 0,86%, cận nghèo là 1,13%. Ông Nguyễn Như Thơ, Chủ tịch UBND xã An Bình chia sẻ:
“Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; khuyến khích, hỗ trợ, nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao. Huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Yến AnhBạn đang xem bài viết An Bình nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].