Những thông tin giả tràn lan trên các trang mạng như vỏ táo bọc sáp bảo quản độc hại, chuối bị kích thích bằng chất độc hại cho nhanh chín,.. khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thực phẩm.
Tuy nhiên, rất nhiều thông tin trên mạng là tin giả thất thiệt. Theo ý kiến của các nhà khoa học, rất nhiều nỗi sợ hãi của chúng ta về thực phẩm độc hại là hoàn toàn vô căn cứ.
1. Lớp sáp trên vỏ táo rất độc?
Nhiều người thường lo ngại về lớp sáp phủ trên rau quả để ngăn thực phẩm hỏng trong quá trình vận chuyển và lưu trữ.
Chẳn hạn quả táo được bày bán trong siêu thị thường có lớp da bóng trông không tự nhiên và bị cho là không tốt cho sức khỏe.
Thực tế, quả táo bóng là vì chúng được phủ một loại sáp. Lớp sáp bên ngoài quả táo giúp táo khỏi mất độ ẩm, bị nhũn và hỏng. Một số giống táo khác như Gala, Janogored, Ligol, Janagold còn có phủ một lớp chất mỡ tự nhiên của mình. Lớp mỡ này còn cho ta biết độ chín của quả táo.
Lớp sáp bọc là lớp phủ nhân tạo. Nhà sản xuất phủ lên chúng một lớp sáp thực phẩm đặc biệt. Thông thường đó là chất szelak (nhựa từ chất thải của côn trùng) hay carnauba (chiết xuất từ lá một loại cây cọ mọc ở Brasil).
Theo một văn bản của Bộ Y tế Ba Lan ra ngày 18/9/2008 thì lớp sáp này an toàn cho sức khỏe. Cũng vậy, Cơ quan Thực phẩm và Thuốc của Mỹ (FDA) cũng công nhận đây là chất không có hại.
Theo FDA, rau quả có lớp sáp tự nhiên sau khi thu hoạch, trong quá trình rửa sạch đã làm mất lớp sáp đó. Do vậy, người ta phải phủ một lớp sáp nhân tạo bọc ngoài để thay thế.
Lớp sáp này hoàn toàn ăn được, mỗi quả chỉ có 1 đến 2 giọt. Tuy cơ thể người không tiêu hóa được lớp sáp này nhưng nó không hề gây hại sức khỏe.
Tất nhiên trước khi ăn hoa quả, bạn vẫn cần rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, điều này cũng làm mất đi một phần lớp sáp này rồi.
2. Chuối bị kích chín bằng hóa chất độc hại?
Chuối thường được thu hoạch khi còn xanh, sau đó được vận chuyển đến nơi cần bán và thời điểm cần bán cần tạo điều kiện cho chuối chín nhanh đồng loạt để chất lượng sản phẩm đồng đều, ngon ngọt hơn, kích thích người tiêu dùng.
Khi đó, chuối sẽ được đặt vào phòng có các khí hóa học trong một ngày. Thành phần loại khí kích thích cho chuối chín gồm 95% khí nitrogen và 5% ethylene. Nitrogen một thành phần trong không khí chúng ta hít thở hàng ngày, còn ethylene là một hormon thực vật ở dạng khí do chính trái cây tiết ra với vai trò chính kích thích gây chín, làm già hóa và rụng hoa quả.
Bạn cũng có thể tự kích thích cho chuối nhanh chín tại nhà bằng cách cho chuối xanh vào cùng một túi bóng kín màu đen với táo chín, gói chặt. Như vậy chuối sẽ chín nhanh hơn.
3. Rau quả đông lạnh sâu mất chất dinh dưỡng?
Nhiều người cho rằng trái cây, rau xanh, quả mọng mất đi nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng khi bị đông lạnh. Tuy nhiên các chuyên gia từ ĐH California đã chứng minh đây là quan niệm sia lầm.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tập trung 4 loại vitamin là C, B2, E và A trong trái cây đông lạnh và kết luận rằng dinh dưỡng trong chúng còn cao hơn trong trái cây tươi được giữ trên giá hoặc tại nhà một thời gian.
Loại trái cây duy nhất không nên đông lạnh là cà chua. Để cà chua ở nhiệt độ thấp cũng sẽ làm giảm chất lượng hương vị của chúng.
4. Sữa tiệt trùng không tốt?
Một số người không mua sữa tiệt trùng vì quá trình này khiến mất vitamin trong sữa. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng trong sữa không chỉ có vitamin mà còn có protein, chất béo, carb, và sữa tiệt trùng vẫn có đủ các chất này.
Nói chung, trong sữa thanh trùng và tiệt trùng chỉ khác nhau về vitamin. Nếu bạn có chế độ dinh dưỡng cân bằng thì bạn đã hấp thụ đủ vitamin từ các thực phẩm khác, vậy nên bạn có thể yên tâm dùng sữa tiệt trùng nếu bảo quản sữa đúng cách.
(Theo Bright Side)