Không coi trọng bản thân mình hơn người khác, đây cũng là một loại tu dưỡng, là một loại cảnh giới. Người có được phong thái này ắt là có sự hiểu biết sâu rộng về kiếp nhân sinh, về giá trị của cuộc đời.
Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy là một tiểu thuyết gia, triết học gia người Nga. Ông từng bị một quý phu nhân hiểu nhầm là một công nhân vận chuyển đồ đạc nên đã yêu cầu vận chuyển đồ cho mình.
Tuy nhiên Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy đã rất vui vẻ nhận lời và hoàn thành công việc của mình. Sau khi hoàn tất công việc, ông được quý phu nhân trả cho 1 Rúp tiền công.
Đến khi quý phu nhân kia biết được thân phận của ông đã vô cùng xấu hổ và có ý muốn lấy lại đồng Rúp đó. Nhưng Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy đã rất vui vẻ từ chối nói: “Đây là thành quả lao động mà tôi có được, nó rất quan trọng”.
Kỳ thực, người tự cao tự đại, kiêu ngạo với người khác lại chính là người yếu đuối khôn cùng. Với những người có tâm hồn yếu nhược, thì kiêu ngạo, tự cao chính là để khỏa lấp chỗ trống trong lòng, họ sợ người khác coi thường bản thân mình.
Ngược lại, khiêm nhường lại xuất phát từ sự tự tin của nội tâm, không màng hư danh, lợi ảo của người đời. Người chân chính có đại trí đại huệ, xưa nay vẫn luôn khiêm nhường, tôn kính vạn vật.
Đương nhiên khi bạn hạ thấp bản thân, khiêm nhường trước người khác thì cũng phải đánh đổi một vài thứ, ví như thân phận, cảm giác tôn kính và vinh hạnh,...
Khiêm nhường ở đây không có nghĩa là bạn phải hạ thấp giá trị bản thân mình, buông bỏ đi ý chí tiến thủ của mình, mà là ngược lại. Một người càng có ý chí tiến thủ thì càng hiểu được giá trị của sự tu dưỡng tâm tính, hiểu được giá trị của sự khiêm nhường.
Khi gặp cảnh đường chật, ngõ hẹp nhường người một bước, có thể vì người mà suy nghĩ, thì đó lại chính là cảnh giới của người nhìn xa trông rộng.
Khiêm nhường cũng là cách giúp bản thân thoát khỏi dục vọng danh lợi và tham lam. Mà một người có thể đứng ngoài danh lợi, khi đó họ sẽ có thể nhìn được càng cao, hiểu được rộng hơn những người khác.
Người chịu cúi thấp mình hơn người khác không hẳn đã là người chịu thiệt. Họ là những người hiểu rõ bản thân mình, là người biết cách dựa vào chính thực lực của mình mà đi lên. Họ hiểu rõ, làm người thì càng ung dung điềm đạm sẽ càng được đi xa thêm…
Người có thể giữ được sự khiêm nhường, ôn hậu, điềm tĩnh cũng sẽ giống như đại địa, vĩnh viễn coi mình thấp hơn người khác, là bàn đạp cho người khác phát triển nhưng lại không có ai dám phủ nhận sự vĩ đại của họ.
Người có thể giữ được sự khiêm nhường cũng như biển lớn, có thể dung nạp trăm sông nghìn suối, bất luận nước trong hay đục.
Nước chịu mình ở chỗ thấp mà không tranh giành nhưng lại có thể dung nạp được vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật. Biển lớn chịu mình thấp hơn sông suối nhưng nào ai dám phủ nhận sự thâm sâu của biển?
George Bernard Shaw, nhà văn nổi tiếng người Anh, một hôm nhàn rỗi đã ra ngoài đi dạo. Ông tình cờ gặp một bé gái tên là Mary, hai người đã cùng nhau đi dạo, nói chuyện cả một buổi chiều cho đến khi trời tối mới quay về.
Trước khi chia tay, nhà văn nổi tiếng mới nói với cô bé: “Khi về nhà hãy nói với mẹ chiều nay con đã đi chơi với George Bernard Shaw”. Thật bất ngờ, cô bé nghe xong bèn đáp lại rằng: “Ngài về nhà cũng hãy nói với mẹ ngài rằng chiều nay đã đi chơi với Mary cả buổi nhé!”.
Sau này George Bernard Shaw trong một buổi thuyết giảng đã nói rằng: “Làm người thì đừng bao giờ quá đề cao bản thân mình”.
Khi chúng ta không ngừng cố gắng thể hiện bản thân, mong mỏi chứng minh thân phận của mình với người khác, thì các bậc cao nhân đại trí lại không ngừng nỗ lực làm phai mờ đi thân phận của mình.
Cựu tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin khi còn trẻ có một lần đi gặp một lão tiền bối đức cao vọng trọng.
Vì hồi đó Franklin còn trẻ, tính khí hiên ngang, mỗi bước đi đều vươn vai ưỡn ngực, đầu ngẩng phía cao, nên khi vừa bước vào cửa, không may bị đụng luôn vào xà ngang cửa vô cùng đau đớn.
Franklin vừa lấy tay xoa đầu vừa ngước mắt nhìn một người vừa cao vừa to hơn mình đi qua chiếc cửa tự do tự tại, thoải mái điềm nhiên.
Khi lão tiền bối ra cửa đón Franklin, ông vừa cười vừa nói: “Rất đau đúng không? Đây chính là bài học giá trị nhất mà cậu thu hoạch được ngày hôm nay khi đến thăm ta”.
Trong phép ứng xử, nếu chúng ta có thể lùi một bước mà nhượng bộ thì sẽ thấy được một cảnh giới khác. Không ngạo mạn chính là khiêm, lùi một bước chính là khiêm, nói thêm một lời cảm ơn, xin lỗi cũng chính là khiêm vậy.
Trong “Sử ký” có ghi chép về chuyện Lão Tử và Khổng Tử gặp nhau. Lão Tử nói: “Một thương nhân có đầu óc thông minh, lanh lợi sẽ rất hiểu giá trị ẩn chứa của một món hàng mặc dù nó có thể có vẻ ngoài rất tầm thường, không có giá trị gì.
Bậc quân tử phẩm chất cao thượng rất hiểu được đạo đức nội tại ẩn giấu của một con người, cho dù vẻ bề ngoài của họ dường như rất ngờ nghệch, chậm chạp”. Đây chính là điều mà người xưa vẫn gọi là “Đại trí nhược ngu”, nghĩa là: Người tài giỏi thường có vẻ ngoài đần độn.
Tăng Quốc Phiên cũng từng nói: “Giữa trời và đất duy chỉ có khiêm nhường là đạo mang lại tài phúc, kiêu ngạo sẽ sinh ra tự mãn, tự mãn thì dễ bị thất bại”.
Vậy nên, đừng bao giờ tự mãn, kiêu căng, cũng đừng bao giờ tự cho mình là bậc cao nhân số một. Hãy nuôi dưỡng cho mình một sự cao quý từ chính phẩm chất khiêm nhường và đẩy lùi sự hèn mọn.
Có câu “Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết nhiều càng khiêm nhường” cũng chính là ý này vậy.
Theo secretchina.com