Bệnh gout liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Vậy nên, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa gout tái phát là duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, gout là một bệnh về rối loạn chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể làm tăng acid uric trong máu, gây nên những cơn đau ở các khớp, thường từ khớp nhỏ ở gối, mắt cá chân, bàn chân, cổ tay và đặc biệt là ở đầu ngón chân cái.
Bệnh gout liên quan chặt chẽ đến điều kiện sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng. Chính chế độ ăn uống thiếu hợp lý, sử dụng rượu bia nhiều, ăn quá nhiều thực phẩm nhiều purin như các loại thịt đỏ và thủy hải sản… là một trong những nguyên nhân làm tăng acid uric máu – nguyên nhân gây bệnh gout.
Do đó, chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh gout được kiểm soát chặt chẽ nhằm phòng ngừa bệnh tái phát.
Theo tiến sĩ dinh dưỡng Nghiêm Nguyệt Thu, nguyên tắc ăn uống để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gout cần tuân thủ:
- Chế độ ăn cho người mắc bệnh gout cần cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu dinh dưỡng của họ. Chế độ ăn giữ cho người bệnh có cân nặng trong giới hạn bình thường, tránh không bị thừa cân, béo phì cũng như tránh không để bị suy dinh dưỡng.
Lượng chất đạm (protein) rất cần thiết cho cơ thể nhưng cần ăn ở mức vừa phải, tránh ăn quá nhiều để giảm lượng purin trong bữa ăn, vì purin có nhiều trong các thực phẩm giàu chất đạm.
Chất béo cũng cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu ăn nhiều có thể gây ra thừa cân, tăng mỡ máu, vì vậy ăn vừa phải, không nên ăn các loại thịt bò, lợn, vịt, gà có nhiều mỡ, mà nên ăn các loại hạt có nhiều dầu như lạc, vừng, đậu tương, oliu...
- Người bị bệnh gout nên bổ sung thêm 500 - 1000mg vitamin C hàng ngày.
- Uống nhiều nước để tăng đào thải acid uric, nên uống nước khoáng kiềm.
- Chế biến thức ăn bằng cách luộc hoăc hầm (nhiều nước) nhất là với thịt, hạn chế ăn phần nước để giảm lượng purin trong nước.
- Bệnh nhân cần được kiểm soát cân nặng, không bị thừa cân, béo phì, nhưng cũng không để bệnh nhân bị suy dinh dưỡng.
PGS.TS Trần Đình Toán cũng chia sẻ, khi đã được chẩn đoán xác định là bị bệnh gout, chế độ ăn uống của bệnh nhân có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hạ acid uric huyết bằng hạn chế đưa nhân purin vào cơ thể theo các cách sau:
- Hạn chế thức ăn có nhiều nhân purine (các loại thịt lợn, thịt bò, gia cầm, hải sản…). Dùng phương pháp thái miếng nhỏ chừng 1 - 2 lạng, luộc chín kỹ, đổ nước luộc đi không dùng.
Hạn chế các món rang, xào khô, ít nước. Đồng thời cũng cần hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật như gan, lòng, óc…
- Hạn chế thức uống có nhiều baze purine như bia, cà phê, chè, socola, nước ép thịt.
- Hạn chế các loại quả, rau có vị chua, hạn chế ăn nấm
- Nên uống nhiều nước, uống các loại nước khoáng kiềm, ăn các loại rau quả có tính lợi tiểu để tránh acid uric đọng lại trong cơ thể. Ưu tiên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng nhân purine thấp để sử dụng.
3 nhóm thực phẩm có tỷ lệ nhân purine từ ít đến nhiều như sau:
Nhóm có ít (từ 0 - 15mg/100g thực phẩm): Ngũ cốc, bơ, dầu mỡ, đường sữa, rau quả các loại…
Nhóm trung bình (từ 50 - 150 mg/100g thực phẩm): Thịt nạc, cá, gia cầm, hải sản, đậu đỗ...
Nhóm có nhiều (trên 150g/100g thực phẩm): Óc, gan, bầu dục, lòng, dồi, nước luộc thịt, nấm ăn...