1. Khiến con phải sợ mình
Rất nhiều bậc phụ huynh muốn dạy con theo cách rèn con vào khuôn khổ bằng cách khiến con sợ mình, nghe lời răm rắp, nói một là một hai là hai, và mặc định nghĩ rằng như thế mới là con ngoan.
Tuy nhiên, trong gia đình như vậy, trẻ thường phải học cách phán đoán cảm xúc của người lớn thông qua tiếng tra chìa khóa hay bước chân. Trẻ phải sống trong sợ hãi, lo âu. Kiểu phụ huynh này cảm thấy bị xúc phạm nếu con cái nghi ngờ lòng tốt của họ. Họ luôn nghĩ: "Bố/mẹ đã làm mọi thứ vì con, con lại vô ơn".
2. Trả lời thay con
Rất nhiều phụ huynh sẵn tâm lý khi đi cùng con, nếu có ai đó hỏi tên sẽ nhanh nhảu trả lời thay con luôn. Thế nhưng nếu con đã biết nó cha mẹ không nên trả lời thay con như vậy.
Thực tế như thói quen, bố mẹ thường trả lời thay con ngay cả khi con đã là thiếu niên và ở khắp mọi nơi, trong các cửa hàng, ở nhà và ở những nơi khác.
Và cuối cùng chúng ta nhận được gì? Chúng ta đã tước đi cơ hội của những đứa trẻ để trả lời câu hỏi cho chính chúng. Bố mẹ chỉ nên đưa ra gợi ý cho một đứa trẻ về những gì cần nói nếu chúng yêu cầu. Nhưng chắc chắn không bao giờ nên nói thay chúng.
3. Bao bọc con quá kĩ
Bảo vệ, bao bọc con quá kỹ trong vòng tay chính là cách thể hiện tình yêu vô cùng sai của nhiều người làm cha mẹ. Yêu con, bao bọc con là bản năng vô cùng tự nhiên của những người làm cha mẹ, thế nhưng cái gì quá cũng không hề tốt.
Bởi sự bao bọc thái quá vô tình sẽ ngăn cản con khám phá những điều mới lạ, những trải nghiệm thú vị. Dần dần, trẻ sẽ không có tự tin để đối mặt với thử thách, chướng ngại hay vấp ngã cuộc đời.
Cha mẹ chỉ nên coi mình là người dẫn đường thông thái chứ không phải người vệ sĩ. Hãy để con được sống, được thỏa sức tiếp cận với thế giới xung quanh.
4. Bắt con chơi thể thao quá nhiều
Vận động cơ thể, tham gia các môn thể thao là tốt cho trẻ. Nhưng bắt con phải tập luyện kiểu vắt kiệt sức với kỳ vọng trẻ sẽ trở thành người chiến thắng trong tất cả các trận đấu sẽ chỉ khiến con luôn căng thẳng và sợ thất bại, cả hiện tại lẫn lúc trưởng thành.
5. Khen ngợi con thái quá
Thỉnh thoảng khen ngợi con mỗi khi con làm việc tốt hoàn toàn không có gì sai. Tuy nhiên, bố mẹ cần hết sức chú ý và điều chỉnh tần suất sử dụng lời khen, khen hợp lý sẽ khuyến khích con tiếp tục thực hiện hành vi tốt và không khiến chúng có những suy nghĩ sai lệch về những gì nên làm.
Một cách để tránh sai lầm này ở trẻ là bố mẹ khen ngợi con chỉ tập trung vào quá trình đưa chúng đến việc đạt được hành động tốt đó, chứ không phải khen kết quả của quá trình đó. Ví dụ, khi con cố gắng giúp bố mẹ làm việc nhà, bố mẹ có thể khen theo cách này: Bố/ mẹ thích cách con cố gắng hết sức để giúp bố/ mẹ hoàn thành công việc. Ngay cả khi kết quả không lý tưởng như mong đợi, bố mẹ vẫn cần công nhận nỗ lực của con, điều này sẽ khuyến khích bé tiếp tục hành động như vậy.
6. Yêu cầu con chia sẻ mọi thứ
Cha mẹ yêu cầu con chia sẻ mọi thứ với mình, thậm chí để con thấy tội lỗi nếu che giấu cảm xúc, nhưng lại lấy đó để nhạo báng con, cũng góp phần hủy hoại tương lai đứa trẻ. Họ đưa chuyện con kể ra để bàn tán với người thân, hàng xóm mà không hề áy náy. Việc tâm sự nhiều khi cũng giúp phụ huynh có cớ để la mắng, chỉ trích con.
7. Kỳ vọng quá lớn
Sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái giống như một con dao hai lưỡi. Nếu có chừng mực, đó sẽ là nguồn động lực để con cố gắng. Ngược lại, kỳ vọng quá mức sẽ khiến con trẻ không còn muốn nỗ lực nữa vì chúng tin rằng mình chẳng bao giờ làm được.
Đây là kiểu phụ huynh sĩ diện luôn muốn con thực hiện mọi việc tốt nhất. Họ coi mọi thành tích con đạt được là điều đương nhiên, sẵn sàng tỏ thái độ chê bai con nếu không được như kỳ vọng. Những lời chê bai như vậy sẽ hủy hoại tương lai trẻ, khiến chúng nghĩ rằng mình luôn làm cha mẹ thất vọng.
8. Lên kế hoạch cho từng giờ, từng phút của con
Nhiều phụ huynh lên lịch của con kín mít từ học ở trường tới lịch ngoại khóa, học thêm môn năng khiếu... Cả tuần hầu như trẻ không có phút nào nghỉ ngơi. Những đứa trẻ này cảm thấy kiệt sức và về lâu dài không có khả năng chủ động sắp xếp cuộc sống của mình.
9. Bắt con ở với mình và nghĩ đó là điều tốt nhất cho con
Trong những gia đình hạnh phúc, bố mẹ khuyến khích con cái ra ngoài, sống tự lập. Nhưng ở những gia đình ích kỷ, phụ huynh muốn giữ con cái ở nhà, coi con như kẻ sống phụ thuộc. Mọi thứ trong nhà từ đồ ăn đến tiền bạc đều của họ, con cái không có quyền phản bác ý kiến của bố mẹ.
Minh KhuêBạn đang xem bài viết 9 điều hầu như bố mẹ nào cũng hay làm, tưởng tốt cho con hóa ra lại đang làm hại con tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].