Cắt toàn bộ 2 thùy tuyến giáp vì bướu giáp và u nang
Nữ bệnh nhân T.T.L. (60 tuổi ở Quảng Ninh) phát hiện mình có khối bướu tuyến giáp cách đây khoảng 20 năm nhưng do lo lắng nhiều vấn đề nên bệnh nhân không điều trị gì.
Gần đây, bà L. thấy khối bướu phát triển ngày càng lớn khiến vùng cổ đau nhức, luôn có cảm giác nghẹn ở cổ khi thở và nuốt. Lúc này người bệnh mới đến khám tại BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí.
Sau khi được thăm khám, thực hiện siêu âm, định lượng hormone tuyến giáp, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bướu giáp đa nhân - nang hỗn hợp và được chỉ định mổ cắt bỏ khối u bướu.
Trong quá trình tiến hành phẫu thuật cho người bệnh, bác sĩ đã kiểm tra thấy tuyến giáp 2 thùy phì đại, rải rác nhiều u nang nên đã tiến hành cắt toàn bộ 2 thùy tuyến giáp và cả khối u, loại bỏ khối bướu giáp đa nhân - nang hỗn hợp, kích thước chiều dài lớn nhất lên đến 10 cm và 7cm chiều ngang của mỗi thùy.
Theo BSCKI Uông Hồng Hợp, Phụ trách khoa Tai mũi họng của bệnh viện, bướu giáp đa nhân được hình thành do sự tăng sản của các đơn vị nang tuyến giáp. Phần lớn người bệnh có bướu nhỏ, không có triệu chứng, không cần điều trị.
Tuy nhiên vẫn gặp 1 tỷ lệ nhỏ là bướu giáp đa nhân hoặc ung thư hóa. Như trường hợp của người bệnh L. là một bướu giáp đa nhân khổng lồ tỷ lệ rất ít gặp, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống như gây khó nuốt, khó thở, khàn giọng…
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Đặc biệt là những người có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và được điều trị phẫu thuật sớm.
Bướu giáp là gì?
Bướu giáp hay còn gọi là bướu cổ, là một bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp với biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.
Bướu giáp được chia làm ba nhóm là: bướu giáp lành tính, ung thư và rối lọan chức năng nội tiết tuyến giáp. Trong đó, bướu giáp lành tính là chiếm tỷ lệ lớn ở người mắc bệnh.
Bướu giáp lành tính là các trường hợp tuyến giáp tăng lên về kích thước mà không gây ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp (không có cường hoặc suy chức năng tuyến giáp). Do đó các trường hợp bướu giáp lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên trường hợp bướu phát triển quá lớn gây nuốt vướng nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ thì có thể tiến hành phẫu thuật cắt bướu.
Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp
Nguyên nhân gây ra bướu giáp được chia làm bốn nhóm chính gồm:
- Cơ thể thiếu iod, có thể do cung cấp thiếu hoặc do nhu cầu iod của cơ thể tăng cao.
- Đã hoặc đang dùng thuốc điều trị các bệnh liên quan đến tâm thần, hen, thấp khớp.
- Một số rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh có tính chất di truyền.
- Nguyên nhân khác ít phổ biến: thay đổi nội tiết trong quá trình mang thai, dậy thì và mãn kinh; xạ trị; hút thuốc.
Dấu hiệu nhận biết bướu giáp
Khi bướu giáp nhỏ thì hầu như người bệnh không cảm nhận được, còn khi bướu giáp lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản thì người bệnh có thể có các biểu hiện sau:
- Khối lồi lên ở vùng cổ
- Vướng, đau cổ họng, nuốt khó, nuốt đau
- Khó thở, nói khàn
- Hay ho và nghẹn
- Thở dốc
- Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh
- Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân
- Lồi mắt
- Trường hợp bướu to nằm ở sau xương ức có thể chèn ép trung thất trên gây phù ở mặt, chóng mặt, ngất.
An AnBạn đang xem bài viết Khối bướu giáp khủng khiến người phụ nữ bị khó thở, 9 dấu hiệu nhận biết bệnh bướu giáp tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].