1. Đột nhiên cảm thấy mệt mỏi là dấu hiệu có thai sớm
Mệt mỏi là dấu hiệu có thai phổ biến trong giai đoạn đầu. Dù không thay đổi thời gian biểu hoặc thói quen ngủ hàng ngày, bạn vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi suốt ngày. Tình trạng mệt mỏi không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu mang thai sớm.
2. Có sự thay đổi về khẩu vị
Có thể lúc này bạn chưa thấy thèm ăn ngay. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể đột nhiên bạn thấy sợ một số loại thức ăn nào đó. Có thể tự nhiên bạn ghét mùi vị của những thứ đồ ăn thức uống mà trước kia bạn vẫn thích hoặc không để ý.
Ví dụ một buổi sáng thức dậy bỗng bạn cảm thấy buồn nôn vì mùi cà phê ai đó đang pha.
3. Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ căng thẳng, mất ngủ
Nghĩ xem có phải gần đây tâm trạng của bạn thất thường không. Các hormone trong thời kỳ mang thai có thể khiến bạn thay đổi tâm trạng vào thời gian đầu.
Bạn có thể nhận thấy mình dễ nổi giận hoặc căng thẳng hơn, hoặc cực kỳ dễ xúc động. Bạn có thể mau nước mắt hơn khi xem những đoạn phim hoặc các chương trình truyền hình xúc động. Sự thay đổi tâm trạng này có thể khá giống các biểu hiện trước kỳ kinh nguyệt.
4. Cơ thể đau nhức, đau đầu buồn nôn bất thường là dấu hiệu mang thai
Cân nhắc xem bạn có các cơn đau hoặc nhức bất thường không. Thai nghén có thể gây ra cảm giác khó chịu bất thường trong cơ thể. Thông thường, tình trạng này thường là sự co thắt nhẹ trong tử cung, đau hoặc tức ở vú, đau đầu buồn nôn.
5. Mất kinh
Mất kinh thường là dấu hiệu đầu tiên của thai nghén. Bạn nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để nắm được tương đối về thời điểm kinh nguyệt xuất hiện hàng tháng. Nếu bạn không có kinh vào khoảng thời gian đã dự đoán, có thể đó là dấu hiệu sớm cho biết bạn đã có thai.
6. Xuất huyết bất thường
Hiện tượng xuất huyết làm tổ (implantation bleeding) đôi khi xảy ra ngay sau khi thụ thai, có thể là do tinh trùng bám vào trứng. Một số phụ nữ nhầm tưởng đó là kỳ kinh nguyệt ra rất ít, nhưng có thể đó là một dấu hiệu của thai nghén nếu bạn có các triệu chứng khác đi kèm.
Hiện tượng xuất huyết làm tổ hoặc ra máu âm đạo sẽ nhẹ hơn nhiều so với kỳ kinh nguyệt thông thường. Có thể bạn chỉ nhận ra khi lau vùng kín.
Màu sắc của máu rỉ ra cũng khác với kinh nguyệt bình thường, có thể hồng hơn hoặc hơi nâu hơn.
7. Lưu ý hiện tượng đau ngực
Mô vú rất nhạy cảm với các hormone, vì vậy dấu hiệu sớm của thai nghén sẽ biểu hiện ở vú. Bạn có thể cảm thấy vú đau và sưng ngay trong hai tuần đầu sau khi thụ thai. Cảm giác châm chích và đau tức xảy ra là bình thường.
Có thể bộ ngực của bạn củng bắt đầu căng và nặng hơn.
8. Thay đổi trong thói quen tiểu tiện
Trong thời gian mang thai, thận sẽ sản xuất nhiều chất lỏng hơn do lượng máu gia tăng trong cơ thể. Nhiều phụ nữ nhận thấy họ đi tiểu nhiều hơn khi có thai. Nếu bạn thấy mình vào nhà vệ sinh thường xuyên hơn thì đây có thể là dấu hiệu sớm cho thấy bạn đã có thai.
Ngay sau khi thụ thai, lượng nước tiểu trong cơ thể thường tăng đến 25%. Lượng nước tiểu sẽ tăng cao nhất ở tuần thứ 10-15 của thai kỳ. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, do trọng lượng tăng lên của tử cung và thai nhi đang phát triển ép lên bàng quang.
9. Sử dụng que thử thai
Nếu nghi ngờ mình có thai, bạn hãy đến hiệu thuốc mua một bộ thử thai tại nhà. Làm theo hướng dẫn trên bao bì và kiểm tra tại nhà. Thông thường, bạn sẽ đi tiểu vào que thử hoặc lấy nước tiểu vào cốc và nhúng que thử vào nước tiểu.
Thời điểm tốt nhất để thử thai tại nhà là vào buổi sáng, khi hormone HCG đạt mức cao nhất.
Hầu hết các que thử thai có thể sử dụng sau khi bạn trễ kinh vài ngày.
Tuy nhiên, trên thị trường cũng có một số thiết bị thử thai được thiết kế để phát hiện thai sớm, chẳng hạn như thiết bị thử thai e.p.t. Đọc hướng dẫn trên bao bì để biết chính xác thời điểm thử thai.
Kết quả thử thai sẽ chính xác hơn sau khi bạn mất kinh. Nếu nghi ngờ mình mang thai trước khi thấy trễ kinh, bạn nên đến gặp bác sĩ thay vì tự thử thai tại nhà.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 9 dấu hiệu có thai sớm nhất, chị em 'bỏ túi' ngay để chuẩn bị đón bé yêu chào đời tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].