Dưới đây là một số lý giải thú vị của các nhà khoa học về những hành vi kỳ quặc của con người, giúp bạn hiểu thấu bản thân và người khác hơn.
1. Con người nói dối ít hơn vào buổi sáng
Chúng ta ai cũng từng nói dối. Tuy nhiên con người dường như nói dối nhiều hơn vào buổi chiều thay vì buổi sáng. Theo các nhà khoa học, mức độ trung thực của chúng ta giảm dần trong ngày, nhất là khi chúng ta đang nói chuyện với những người thật thà.
Với những người đã có khuynh hướng cư xử không tốt thì họ sẽ nói dối bất kể thời gian. Nhưng với những người thật thà, ý thức đạo đức cao, khả năng kiểm soát bản thân tốt thì về buổi đêm khi mệt mỏi, độ chân thật sẽ giảm đi.
Do đó các chuyên gia khuyên rằng chúng ta nên tổ chức các buổi họp quan trọng vào buổi sáng hơn là buổi chiều.
2. Xúc giác ảnh hưởng đến hành vi của con người
Chúng ta cảm nhận mức độ quan trọng, đáng tin hay sợ hãi, yếu đuối thông qua những gì cơ thể cảm nhận được.
Do đó, một người ngồi trên ghế cứng thường dễ bị tác động hơn. Một người chạm vật lạnh sẽ cảm nhận cô đơn. Nếu ta chạm thứ gì đó thô ráp thì sẽ nghĩ đến những mối quan hệ phức tạp giữ người với người.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyên bạn nếu muốn qua được vòng phỏng vấn xin việc và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng thì hãy mang CV trong kẹp tài liệu dày, nặng.
3. Rửa tay làm giảm tính đa nghi của con người
Rửa tay không chỉ làm sạch về mặt vật lý mà còn cả tâm lý nữa. Sau khi rửa tay thì những nghi ngờ hay tự trách về những quyết định của bản thân của chúng ta cũng sẽ trôi theo dòng nước.
Hầu hết con người đều khó lựa chọn và hay do dự, chúng ta mua chiếc áo có cúc rồi sau đó thấy một chiếc áo không cúc, và nghi ngờ quyết định trước đó của mình.
Các nhà tâm lý học của ĐH Michigan cho rằng bộ não coi việc rửa tay như một cách để giải phóng bản thân, có cơ hội bắt đầu mới và bớt quan tâm đến những sai lầm trong quá khứ.
4. Im lặng làm chúng ta lúng túng
Các nhà khoa học nhận thấy rằng 4 giây im lặng là đủ tạo nên sự lúng túng.
Nếu tất cả mọi người cùng giữ im lặng, chúng ta sẽ bắt đầu nghi ngờ và sợ hãi địa vị xã hội bị lung lay. Ngược lại nếu cuộc hội thoại diễn ra sống động thì chúng ta sẽ cảm thấy người khác cần mình.
Theo các nhà tâm lý học thì hội thoại không nên có những khoảng dừng quá lâu như vậy. Phải tìm ra lý do tại sao mọi người giữ im lặng. Có thể là do câu hỏi của bạn không được tán đồng, hoặc đơn giản bạn bè, đồng nghiệp của bạn đang vội vã nên không thể tiếp chuyện.
5. Ngón tay, ngón chân nhăn lại khi ngâm nước
Nhiều nghiên cứu cho thấy ngón tay nhăn giúp chúng ta bám chắc hơn vào các vật ướt hoặc dưới nước. Các nhà khoa học cho rằng ngón tay nhăn giúp tổ tiên tìm kiếm thức ăn nơi ẩm ướt, dưới sông suối.
Tương tự đầu ngón chân nhăn giảm bớt trơn trượt khi đi dưới trời mưa.
Ngón chân, tay nhăn nheo khi ngâm nước lại là do sự co mạch.
6. "Nói xấu sau lưng" giúp chúng ta tránh nguy hiểm
Đôi khi chúng ta bàn tán sau lưng (tiếng Anh gọi là gossip) về một đồng nghiệp hoặc một người nào đó mà mình không biết và cảm thấy xấu hổ về điều đó.
Tuy nhiên việc "nói xấu sau lưng" đóng vai trò cực quan trọng ở thời cổ đại. Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc này có tác động tích cực đến cả người nói và người nghe cũng như đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Nó giúp cảnh báo con người về những nguy hiểm sắp xảy ra.
Các nhà khoa học tin đây là cách trao đổi thông tin, giúp chúng ta hiểu ai là bạn, ai là thù. Thời xưa, người ta sống theo nhóm người nhỏ và cần biết ai có thể là kẻ thù. Ngồi bàn tán về người khác là cách đơn giản nhất để biết những điều này.
Ngày nay việc bàn tán sau lưng người khác chỉ là một cách để giải trí. Tuy nhiên hãy cân nhắc trước khi định buôn chuyện nào đó và nhớ rằng việc đó có thể làm tổn thương cảm nhận của người khác.
7. Chuyển động mắt giúp chúng ta nhớ lại thông tin
Khi muốn nhớ lại điều gì, chúng ta thường chuyển động con ngươi theo hướng nhất định. Nghiên cứu cho thấy người già chuyển động mắt nhiều hơn khi muốn nhớ lại.
Khi hồi tưởng sự việc, chúng ta chuyển mắt theo hướng giống như khi cố nhớ thông tin. Tuy nhiên một số nhà khoa học không đồng ý với giả thuyết này. Theo họ khi chúng ta hồi tưởng, chúng ta nhìn về phía khác để rời sự tập trung.
Nhưng dù sao thì việc chuyển động mắt cũng giúp chúng ta nhớ lại những thông tin quan trọng.
8. Sự đáng yêu khơi dậy bản năng chăm sóc của con người
Nhiều người sẽ cảm thấy trẻ nhỏ thực sự đáng yêu và đó là ảnh hưởng của sự tiến hóa.
Trẻ em yếu đuối và cần được cha mẹ chăm sóc nhiều năm. Để trẻ con có thể thu hút sự chú ý của người lớn, thì bộ não con người sẽ tạo kích thích khiến bạn yêu thích và quan tâm trẻ con.
Lý giải điều này, nhà khoa học Konrad Lorenz đề xuất khái niệm giản đồ em bé (baby schema), gồm những đặc điểm ngoại hình như mắt to, má phính, đầu to.
"Giản đồ em bé" cũng có tác dụng với cả các con vật nhỏ nữa. đó cũng là lý do vì sao chúng ta thích ảnh mèo con đáng yêu trên mạng xã hội.
9. Nổi da gà là cơ chế tự vệ từ xưa
Nhà tâm lý học George Bubenik từ ĐH Guelph, bang Ontario, Canada giải thích rằng nổi da gà (hay sởn gai ốc, nổi gai ốc) là hiện tượng tâm lý có từ thời tổ tiên của chúng ta.
Hiện tượng nổi da gà trước đây từng có lợi nhưng bây giờ thì không.
Nổi da gà là do cơ nhỏ dưới lông bị co lại, khiến vùng da gần lông bất ngờ nhô lên cao hơn so với bề mặt xung quanh. Hiện tượng này thường xảy ra khi cơ thể cảm thấy lạnh nhằm giữ ấm cơ thể. Ngoài ra chúng ta cũng nổi da gà trong những tình huống về mặt cảm xúc.
Theo Bright Side
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết 9 đặc điểm hành vi kỳ quặc của con người được khoa học lý giải, buổi chiều chúng ta nói dối nhiều hơn tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].