Dưới đây là 9 biết quyết giúp trẻ tự tin mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng để đối với trẻ
1. Cân nhắc lời khen ngợi
Trẻ cần được khen ngợi mỗi khi làm được việc tốt, ném được bóng hay vẽ được một bức tranh đẹp. Tuy nhiên, trẻ có thể phụ thuộc vào lời khen của người khác nếu cha mẹ khen con quá nhiều.
Đôi khi trẻ cũng có thể nhận ra rằng cha mẹ chỉ khen "cho có" để động viên. Dần dần con có thể phớt lờ lời khen của mình.
Vì thế cha mẹ không nên khen về điều mà con phải làm, ví dụ như đánh răng, mặc quần áo. Chúng ta có thể dùng từ khác để khen ngợi con, như lời cảm ơn, hay nói rằng bức tranh có màu rất mới chẳng hạn.
2. Con sẽ tự tin hơn khi tự quyết định
Nếu được lựa chọn từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều khi đưa ra quyết định trong tương lai.
Nhưng cha mẹ chỉ nên cho bé khoảng 2 hoặc 3 sự lựa chọn. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi con thích ăn gì, một là mì, cháo hay cơm, chứ không thể hỏi con thích ăn gì và để con tự nghĩ.
3. Nên cho con tham gia các cuộc thi, hoạt động tập thể
Cha mẹ nào cũng mong con được vui vẻ, hạnh phúc và không muốn các con bị tổn thương. Nhưng đôi khi, cha mẹ đã vô tình khiến trẻ kém tự tin.
Ví dụ, thay vì tránh để cho con tham gia các hoạt động ở trường, các cuộc thi đấu vì sợ thất bại thì cha mẹ nên mạnh dạn cho con được trải nghiệm. Bởi vì trẻ cũng cần biết cảm xúc buồn bã, lo lắng, thích thú là gì.
4. Ủng hộ những sở thích đặc biệt của con
Trẻ có thể có những sở thích đặc biệt và cha mẹ nên ủng hộ con. Làm những điều trẻ thật sự thích sẽ giúp trẻ tự tin hơn.
Có trẻ thích nấu ăn, có trẻ thích vẽ, ca hát, nhảy múa. Cha mẹ nên khuyến khích các con phát triển năng khiếu hoặc những điều trẻ thật sự say mê để phát triển sự tự tin.
5. Hướng trẻ nghĩ đến những điều tích cực
Nếu trẻ cảm thấy buồn bã hoặc thất vọng khi được điểm kém, viết chữ xấu hoặc kém tập trung, cha mẹ có thể hướng cho trẻ đến những suy nghĩ tích cực hơn.
Chẳng hạn, cha mẹ có thể gợi ý cho con làm sao để cải thiện tình hình đó. Dần dần, trẻ sẽ quen với suy nghĩ tích cực mỗi khi thất bại và trẻ sẽ biết rằng vấn đề gì cũng có cách giải quyết của nó.
6. Khuyến khích trẻ tự giải quyết vấn đề của mình
Các chuyên gia cho rằng trẻ sẽ tự tin hơn khi chúng có thể tự giải quyết những vấn đề của mình. Ngay cả trẻ nhỏ, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ tự đứng lên, tự suy nghĩ và điều chỉnh vấn đề của mình.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ đưa ra những ý tưởng giải quyết một vấn đề nào đó. Ví dụ như trẻ sẽ sắp xếp chiếc bàn học như thế nào, con có biết tại sao mình vẫn viết chữ xấu hay không...
7. Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác để cảm thấy tự tin hơn
Trẻ sẽ tự tin hơn nhiều nếu biết giúp đỡ người khác. Hãy tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện hoặc các hoạt động ở trường lớp, của quận...
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần rèn luyện cho con làm việc nhà để biết việc giúp đỡ người khác ý nghĩa thế nào. Trẻ cũng sẽ tự tin hơn và vui hơn khi giúp đỡ được nhiều người.
8. Cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với người lớn để trẻ dần tự tin
Các chuyên gia cho rằng trẻ sẽ tự tin hơn nếu thường xuyên tiếp xúc với người lớn, như thầy cô giáo, anh em họ hàng, người trông trẻ hoặc bạn bè của cha mẹ.
Trẻ dường như không thích chơi với người bằng tuổi. Chúng thích những anh chị lớn hơn mình. Do đó, cha mẹ có thể giúp trẻ tiếp xúc với nhiều người lớn hơn tuổi để giúp con tự tin hơn.
9. Giúp trẻ hình dung về tương lai của mình
Cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn khi tưởng tượng về tương lai. Ví dụ cha mẹ có thể hỏi con sau này con thích làm gì và mường tượng con sẽ làm như thế nào với nghề đó.
Giả sử con thích làm giáo viên, hãy hỏi con rằng giáo viên thì làm những gì nhỉ. Hay trẻ thích làm ca sĩ, và con sẽ tập hát như thế nào, biểu diễn ra sao...
(Theo Parents)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết 9 bí quyết giúp trẻ tự tin: Cho con tự giải quyết vấn đề, tưởng tượng về tương lai tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].