Bác sĩ Nguyễn Điện Biên, khoa Răng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ ra một số thói quen xấu về răng miệng hay gặp ở trẻ gồm:
1. Tật thở miệng (Mouth breath)
Thường gặp nhất ở trẻ có bệnh về mũi, dị ứng mũi, khiến cho trẻ khó thở mũi và tạo nên thói quen thở miệng. Ban đêm trẻ nằm ngủ cũng thở miệng.
Thở miệng sẽ làm cho hàm răng trên phát triển về phía trước, hàm răng sẽ bị hô, cung răng hàm trên sẽ nhọn hơn, vẩu ra, khớp cắn sâu và cắn hở, nhóm răng cửa sẽ không cắn khít được.
Thở miệng còn làm cho bệnh nhân dễ bị sâu răng hơn, có nhiều răng sâu hơn bình thường, vì thở miệng làm khô nước bọt, khô miệng sẽ làm hơi thở hôi, răng ở tình trạng không có nước bọt để rửa sạch sẽ dễ bị sâu và mức độ sâu phát triển nhanh, trầm trọng hơn.
Điều trị tật thở miệng rất khó, nhất là cha mẹ của bé phải biết và phát hiện sớm. Đầu tiên là phải chữa bệnh về mũi để trẻ không bị nghẹt đường mũi.
Ban đêm phải cho trẻ mang hàm tiền chỉnh nha (trainer) do các bác sĩ răng hàm mặt cung cấp. Hàm tiền chỉnh nha giúp cho trẻ cắn hai hàm lại khi ngủ và không thở miệng được.
Nếu phát hiện sớm tật thở miệng có thể điều chỉnh được lệch lạc của hàm răng. Tuổi tốt nhất để chỉnh thói quen xấu nầy là từ 9 tuổi đến 15 tuổi.
Nếu răng của trẻ đã lệch lạc nhiều thì phải cho trẻ đeo khí cụ chỉnh nha và sau khi đã chỉnh răng lại tốt rồi cũng phải đeo hàm trainer để duy trì.
2. Thói quen đẩy lưỡi (Tongue thrusting)
Tật đẩy lưỡi cũng giống như thở miệng, bệnh nhân không biết mình có tật đẩy lưỡi và thường chỉ do các bác sĩ răng hàm mặt khám và phát hiện.
Bình thường lưỡi của bệnh nhân luôn luôn thụt về phía sau khi hai hàm răng cắn lại và khi nuốt nước bọt, lưỡi co rút lại phía sau là bình thường.
Ở bệnh nhân có thói quen đẩy lưỡi, lúc nào bệnh nhân cũng để lưỡi chen giữa hai hàm răng và khi nuốt nước miếng thay vì lưỡi rút vào trong thì ngược lại, lưỡi đẩy về trước.
Ở bệnh nhân có lưỡi to hơn bình thường cũng gây trở ngại cho việc nói chuyện và ăn nuốt của bệnh nhân. Khi có lưỡi to, trẻ sẽ chậm biết nói, dễ bị nói ngọng. Do thể tích lưỡi lớn nên khi nuốt, khi ăn, lưỡi co vào khó hơn là đẩy ra.
Lực đẩy của lưỡi rất mạnh, do đó nếu thói quen xấu này tồn tại, nhóm răng cửa sẽ bị đẩy về phía trước, bệnh nhân sẽ bị vẩu cả hai hàm, cắn hở nhóm răng cửa và muốn cắn phía trước sẽ không được. Ví như khi cắn hạt dưa, bệnh nhân phải dùng răng trong mới cắn được.
Để điều trị thói quen đẩy lưỡi ở trẻ, khi đi khám răng hàm mặt, bác sĩ phải chú ý đến tật đẩy lưỡi và báo cho cha mẹ của trẻ biết vì nhiều người đã trưởng thành rồi mà vẫn không biết mình có tật đẩy lưỡi.
Nếu hậu quả của tật đẩy lưỡi không trầm trọng thì nó chỉ gây nên khớp cắn hở, không bị lệch lạc răng nhiều nên không cần phải mang khí cụ chỉnh hình răng mà chỉ cần cho bệnh nhân đeo hàm tiền chỉnh nha (hàm trainer).
Khi bệnh nhân có răng bị hô và cắn hở nhiều, trong khi đeo hàm để chỉnh cung răng, bác sĩ sẽ gắn thêm bên trong hàm một vài đầu nhọn bằng kim loại để khi lưỡi đưa ra chạm vào đầu nhọn bị đau sẽ tự động rút trở lại. Một thời gian sau lưỡi sẽ quen và không còn đẩy ra nữa.
3. Thói quen bú ngón tay và bú núm vú cao su (Thumb sucking)
Thói quen bú núm vú cao su là thói quen xấu do bà mẹ hoặc người vú nuôi tập cho bé. Thói quen này chỉ làm ảnh hưởng đến răng sữa làm cho răng của bé không cắn khít được, hàm trên bị chìa ra. Do hàm răng bị hở phía trước bé dễ bị nói ngọng, phát âm không chính xác các âm “sờ”, “chờ”.
Lớn lên thay cho núm vú bé sẽ có thói quen mút ngón tay, thường là ngón tay cái. Nếu đến tuổi đi học và tuổi thay răng, từ 7 tuổi trở đi bé đã có răng cửa vĩnh viễn, mọc thay thế cho các răng sữa, bé không bỏ được thói quen bú ngón tay thì răng cửa trước sẽ bị lệch lạc, chìa ra, hô răng và khớp cắn hở.
Vì là thói quen nên việc điều trị phải có biện pháp giáo dục của cha mẹ cũng như thầy cô giáo. Khi trẻ còn nhỏ người lớn có thể động viên, đưa ra các hình thức khen thưởng để bé biết là không được bú núm vú nữa. Người lớn không nên la mắng hay chế nhạo trẻ vì sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé.
Thói quen bú núm vú là do mẹ và người vú chăm sóc bé tạo ra, vậy nên nếu biết là không tốt thì ngay từ đầu không nên tập cho bé, nếu đã là thói quen thì rất khó bỏ và phải bỏ từ từ.
Đến tuổi đi học trẻ có thói quen bú tay, cha mẹ và cô giáo nên khuyên răn trẻ để trẻ biết thói quen trên là xấu vì nó ảnh hưởng đến hàm răng, làm các răng cửa bị lệch lạc, làm giọng nói bị ngọng.
4. Thói quen cắn môi (lip biting)
Trẻ em thường có thói quen cắn môi dưới, giống như bú ngón tay, hậu quả của tật cắn môi sẽ làm nhóm răng cửa trên nhô ra, cắn không khít, trẻ phát âm không chuẩn. Tật cắn môi cũng dễ bỏ nếu đến tuổi đi học, bạn bè và thầy cô khuyên nhủ sẽ dần dần bỏ được.
5. Thói quen nghiến răng
Tật nghiến răng xảy ra thường xảy ban đêm ở các lứa tuổi, người lớn và trẻ em đều có thể mắc phải. Tật nghiến răng là do căng thẳng thần kinh, người lớn bị stress do công việc ban ngày và kéo dài trong đêm.
Học sinh, sinh viên bị áp lực học tập và thi cử nặng nề ảnh hưởng làm căng thẳng thần kinh trong lúc ngủ cũng bị tật nghiến răng.
Còn ở trẻ em, có thể do bị ký sinh trùng đường ruột, do sán, giun làm cho cơ thể trẻ luôn bị bứt rứt khó chịu.
Hậu quả của tật nghiến răng là răng 2 hàm sẽ bị mòn, nếu bệnh nhân nghiến răng trong thời gian dài, các mặt răng sẽ bị mòn nhẵn gây ê buốt khi ăn thức ăn lạnh, chua quá, hay ngọt quá đều làm cho bệnh nhân đau.
Lực nghiến răng thường rất mạnh, do trong lúc ngủ là vô thức, bệnh nhân không biết được là mình đang nghiến răng chỉ có người ngủ bên cạnh mới nghe được tiếng ken két của 2 hàm răng chạm nhau.
Lực nghiến răng lâu ngày còn ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm làm bệnh nhân thường xuyên đau khớp nhai rất khó chịu.
Càng để lâu chấn thương trên khớp không thể hồi phục, khớp bị mòn, dây chằng các cơ nhai bị dãn ra và bệnh nhân sẽ bị sai khớp khi há miệng lớn hoặc khi ngáp.
Bệnh nhân có khớp nhai bị lỏng thường bị sai khớp vào ban đêm, khi ngáp há miệng to và hàm dưới bị trượt ra ngoài, bệnh nhân không cắn lại được mà phải vào cấp cứu để đẩy hàm dưới trở vào khớp.
Ở trẻ em, tật nghiến răng không gây hậu quả nghiêm trọng như ở người lớn, nhưng cũng ảnh hưởng đến các răng vĩnh viễn sau này.
Để tránh ảnh hưởng đến răng và khớp thái dương hàm bệnh nhân phải đi khám bác sĩ răng hàm mặt, giải pháp điều trị thường là cho bệnh nhân đeo một máng nhựa nằm giữa 2 hàm răng và cho bệnh nhân đeo trong lúc ngủ.
Ở trẻ em nên đi khám để uống thuốc tẩy giun sán, nhất là giun kim làm cho trẻ thường xuyên bị ngứa hậu môn và bức rứt trong lúc ngủ.
6. Thói quen cắn móng tay, cắn kẹp tóc ở bé gái
Các thói quen này thường gặp ở tuổi đi học và ở bé gái thích làm dáng, lâu ngày sẽ thành thói quen. Hậu quả là các răng cửa cắn không khít, bị mòn dần, men răng bị mẻ.
Răng sẽ bị mất thẩm mỹ, răng cửa không cắn khít được. Tật cắn viết, cắn bút chì, cắn nút chai, dùng răng để mở nút chai đều hậu quả về lâu dài.
Răng bị mòn và mẻ làm mất thẫm mỹ, nhưng chấn thương trên răng lâu dài có thể làm răng bị chết tủy và nặng hơn là gây nhiễm trùng trên gốc răng mà bệnh nhân không biết.
Trong trường hợp này nếu không chữa đúng cách răng có thể phải nhổ vì nhiễm trùng trên xương hàm.
7. Thói quen chống cằm
Ở tuổi đi học, trẻ cũng hay có thói quen chống cằm trong lúc ngồi học, hậu quả là xương hàm dưới phát triển không đều có thể gây bất đối xứng trên khuôn mặt.
8. Thói quen ôm gối ngủ, hoặc nằm nghiêng nhiều về 1 bên khi ngủ
Trẻ có thói quen ôm gối ngủ và tựa đầu nghiêng một bên cũng làm cho cằm bất cân xứng, lép một bên mặt và cằm.
Sự lệch lạc xương hàm chỉ xảy ra ở trẻ em đang ở thời kỳ trưởng thành và xương mặt đang hình thành. Vì vậy nên tập cho trẻ nằm ở nhiều tư thế khác nhau.
Trong các thói quen xấu trên đây chỉ có tật thở miệng, đẩy lưỡi và bú ngón tay là thường gây nên lệch lạc rõ ràng cho răng miệng của trẻ.
Trẻ em từ 9 đến 15 tuổi nên được đi khám răng hàm mặt để phát hiện, chẩn đoán sớm hàm răng bị lệch lạc và có biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, việc tập để thay đổi một thói quen xấu cần phải có sự can thiệp của cha mẹ vì phải chỉnh sửa ngay từ khi trẻ mới thay răng vĩnh viễn.
Khi trẻ đã lớn, hàm răng bị lệch lạc, nếu có chỉnh hình răng mà không bỏ thói quen xấu thì sau một thời gian, hàm răng sẽ bị lệch lạc trở lại như cũ.
Xem thêm clip: 7 thực phẩm tốt cho răng miệng
An AnBạn đang xem bài viết 8 thói quen ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng miệng của trẻ tại chuyên mục Sức khỏe răng miệng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].