1. Chụp ảnh con trước khi đến những nơi đông người
Đi công viên giải trí hoặc bất kỳ địa điểm nào đông người thường là cơn ác mộng đối với nhiều bậc cha mẹ, vì trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị lạc ở những nơi như thế này.
Và mặc dù không ai mong điều đó xảy ra, nhưng bạn phải luôn luôn sẵn sàng cho tình huống này.
Trước khi ra ngoài, bạn có thể chụp lại ảnh con mình, để trong trường hợp trẻ bị lạc, bạn sẽ có được hình ảnh chính xác về ngoại hình và trang phục của trẻ trong ngày hôm đó.
Việc cung cấp bức ảnh này cho cơ quan chức năng sẽ giúp việc tìm kiếm dễ dàng và hiệu quả hơn.
2. Lần đầu con ăn một loại hạt, hãy cho ăn lượng nhỏ
Dị ứng hạt là tình trạng phổ biến mà rất nhiều trẻ em gặp phải. Do đó, khi cho trẻ lần đầu ăn loại hạt nào đó, ví dụ lạc, hạnh nhân, óc chó... bạn chỉ nên cho trẻ ăn một lượng nhỏ.
Quan sát phản ứng của trẻ sau khi ăn một hạt. Nếu không xuất hiện các triệu chứng dị ứng, bạn có thể tăng dần lượng thực phẩm.
3. Khen mũ bảo hiểm của con để khuyến khích con đội mũ
Trẻ em thích thể hiện sự dũng cảm của mình và có thể kích động nhau thực hiện những hành vi nổi loạn.
Con bạn có thể bị trêu chọc vì đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, chơi thể thao...
Để nâng cao sự tự tin của trẻ, hãy khen con đội mũ đẹp và ngầu như thế nào. Lời khen từ người lớn sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản trong tương lai.
4. Dùng dây buộc tóc để tránh trẻ mở tủ, ngăn kéo
Khi mang con nhỏ đến chơi nhà người khác, việc kiểm soát an toàn có thể không dễ dàng vì không đảm bảo rằng nhà họ có đầy đủ các thiết bị an toàn cho trẻ.
Thay vì lo lắng con cố mở một ngăn kéo hoặc tủ quần áo, bạn có thể bảo vệ chiếc tủ chỉ bằng một sợi dây buộc tóc, xoắn và buộc tay cầm lại như trên hình.
5. Tạo cho con cảm giác được kiểm soát tình hình
Không ai thích cảm giác bị kiểm soát, đặc biệt là những đứa trẻ nổi loạn khao khát khám phá thế giới bên ngoài.
Nếu bạn ra lệnh cho con mình chỉ được đứng ở nơi bạn có thể nhìn thấy chúng, chúng sẽ cảm thấy bị hạn chế và có thể làm ngược lại.
Thay vào đó, cách hiệu quả hơn là nói với trẻ, "Hãy đứng ở chỗ nào mà con có thể nhìn thấy bố/mẹ."
Bằng cách này, trẻ sẽ không coi việc ở trong tầm nhìn của bạn là một mệnh lệnh, mà là một sự lựa chọn.
Điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy như chính mình đang kiểm soát tình hình.
6. Dạy con cách hành động trong trường hợp khẩn cấp thay vì chỉ nói
Nhắc nhở về an toàn phòng cháy chắc chắn có thể giảm thiểu nguy cơ trẻ em gây ra hỏa hoạn.
Tuy nhiên, nếu trẻ không may gặp phải hỏa hoạn thì lý thuyết về phòng cháy chữa cháy sẽ không giúp được nhiều.
Thay vì chỉ nói về các biện pháp phòng ngừa, hãy dạy trẻ về các mẹo an toàn có thể giúp trẻ thoát khỏi hỏa hoạn.
Hãy thử trải qua các tình huống khác nhau để đảm bảo chắc chắn trẻ biết phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp.
7. Thử dây an toàn trên ô tô
Để đảm bảo rằng dây đai an toàn trên ghế ô tô của trẻ đủ chặt, hãy kiểm tra bằng cách véo dây đai ở phần vai của trẻ.
Nếu có thể nắm dây lại như trên hình thì có nghĩa là dây đai quá lỏng và bạn cần siết dây đai chặt hơn.
8. Dạy trẻ tìm đến những người đang đẩy xe em bé nếu bị lạc.
Cha mẹ thường dạy trẻ tìm đến người có thẩm quyền nếu bị lạc. Tuy nhiên, đôi khi trẻ có thể khó xác định ai là người có thẩm quyền.
Thay vào đó, hãy dạy trẻ tìm đến những người có xe đẩy em bé. Không chỉ vì xe đẩy dễ nhận biết hơn mà những người có con nhỏ thường đáng tin cậy và dễ đồng cảm với trẻ hơn.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 8 quy tắc an toàn cho trẻ nhỏ mọi cha mẹ nên dạy con tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].