ThS.BSCK2. Hồ Thiên Hương, Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có các triệu chứng thường thấy như ngáy và đôi khi ngủ không yên, đổ mồ hôi về đêm, nhức đầu vào buổi sáng và khó tập trung.
Nguyên nhân chủ yếu thường do amidan và/hoặc hạch hạnh nhân họng (VA) quá lớn làm cản trở luồng khí đi ra và đi vào phổi.
Triệu chứng này thường kéo dài 10 đến 30 giây, và có thể lên đến 400 lần trong đêm.
Tỷ lệ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em là khoảng 2%.
Tình trạng này thường không được chẩn đoán và có thể dẫn đến di chứng nghiêm trọng làm chất lượng giấc ngủ của trẻ không tốt, không có tác dụng giúp cơ thể trẻ nghỉ ngơi và hồi phục.
Với trẻ lớn, nguy cơ này ngày càng tăng cao, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi cá nhân, chậm phát triển, rối loạn ứng xử và nhân cách, ảnh hưởng đến việc học tập và các vấn đề sức khoẻ trẻ như tình trạng cao huyết áp.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị ngưng thở khi ngủ
Amidan và adenoid phì đại là nguyên nhân thường gặp nhất. Amidan và adenoids (các tuyến nằm ở phía sau cổ họng) là một phần của hệ thống miễn dịch. Amidan có thể to ra do di truyền, nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm thường xuyên. Khi các tuyến này sưng hoặc xẹp xuống, làm bít tắc đường thở, khiến việc thở khi ngủ trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân thứ hai là do néo phì. Hiện tượng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở trẻ em béo phì chiếm đến 60%.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Cấu trúc hàm trên nhỏ, bất thường ở hộp sọ hoặc mặt,
- Sử dụng thuốc an thần có hoặc không có opioid,
- Yếu cơ lưỡi và cơ vùng cổ họng,
- Mắc hội chứng Down, bệnh hồng cầu hình liềm, bại não,
Bị dị ứng mũi, ở gần người lớn hút thuốc và có tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng được phát hiện là các yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em.
2. Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị ngưng thở khi ngủ
Nếu thấy các dấu hiệu sau đây, cha mẹ nên nghi ngờ trẻ bị ngưng thở khi ngủ.
- Trẻ thường xuyên ngủ ngáy.
- Khó thở khi ngủ.
- Ngủ không ngon giấc.
- Hay phải trở mình luôn trong khi ngủ.
- Hay nằm sấp khi ngủ.
- Trẻ hay đái dầm.
- Trẻ hay phải thở bằng miệng.
- Trẻ ngủ ngày quá nhiều.
3. Ảnh hưởng của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Trẻ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể chịu những ảnh hưởng xấu như:
- Trẻ đau đầu vào buổi sáng.
- Hay ngủ gật và ngủ ngày quá nhiều.
- Khó tập trung ở trường học ảnh hưởng đến kết quả học tập.
- Dẫn đến các vấn đề về hành vi bắt chước, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), điển hình như hiếu động thái quá, nổi loạn, bốc đồng.
- Tâm trạng khó chịu.
- Khó kiểm soát cảm xúc, thường xuyên cáu gắt.
- Chậm phát triển.
- Huyết áp cao.
Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng nếu không điều trị chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ sẽ khiến các nơron thần kinh bị tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ.
Vì vậy, khi phụ huynh nghi ngờ con có biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết 8 dấu hiệu cảnh báo con bị ngưng thở khi ngủ tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].