Cha mẹ già đi, chân yếu tay mềm
Cha mẹ sẽ không thể khỏe mạnh, dẻo dai như xưa nữa khi già đi. Có thể trong bữa cơm họ sẽ làm cơm canh rơi vãi, lấm lem nhem nhuốc cả áo quần. Thế nhưng phận làm con đừng thấy đó là phiền, cũng đừng trách móc.
Chúng ta cũng từng có một tuổi thơ giống cha mẹ đó thôi, cũng phải để cha mẹ dọn dẹp, kiên nhẫn dạy từ những việc nhỏ nhất. Giúp chúng ta làm nhiều việc khi bản thân chúng ta chưa đủ cứng cáp, trưởng thành. Vậy nên hãy nhớ về những ngày đó trước khi định nổi nóng với cha mẹ mình.
Khi cha mẹ già, đi đứng khó khăn hơn
Tuổi già sức yếu, chân tay không còn cứng cáp, nếu cha mẹ muốn ra ngoài đi đây đi đó cho khuây khoả, người làm con chớ nên cảm thấy phiền não.
Thay vào đó, hãy nhớ về thuở còn thơ dại, là ai đã dìu dắt ta từng bước đi đầu đời, là ai đã nâng đỡ ta sau mỗi lần vấp ngã.
Khi cha mẹ già, đầu óc kém minh mẫn
Tuổi già lấy đi nhiều thứ, đó là sức khoẻ, là sự tổn hại không nhỏ về mặt tinh thần, trí não. Nếu chẳng may cha mẹ có để quên đồ ở đâu đó, con ơi, đừng trách đừng giận người nhé!
Chẳng phải chúng ta cũng từng có khoảng thời gian quên trước quên sau, cái gì cũng phải hỏi cha, hỏi mẹ mãi hay sao.
Khi cha mẹ già, dễ sinh lẩm cẩm
Nếu cha mẹ cứ nhắc mãi một sự việc, dù nghe trăm lần, người làm con cũng nên nhẹ nhàng bỏ qua. Đây không phải là điều mà bậc sinh thần mong muốn, mà chính vì thời gian đã cướp đi gần như tất cả của họ.
Trong những lúc ấy, hãy nhớ về ngày xưa, ngày mà ta cứ bắt cha mẹ kể mãi một câu chuyện cho một đêm trước khi đi vào giấc nồng.
Khi cha mẹ già, mãi xem con là đứa trẻ bé bỏng
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, phải vậy, trong lòng của người làm cha mẹ, dù con cái đã bao nhiêu tuổi, trưởng thành thế nào thì trong mắt họ vẫn mãi chỉ là đứa trẻ ngây thơ, trẻ dại.
Cho nên, từng lời nhắc nhở nhỏ nhặt nhất vẫn được họ thốt lên, phận làm con ơi, chúng ta còn được nghe những lời này bao lâu nữa đâu, nên đừng giận, đừng trách cha mẹ nhiều lời.
Khi cha mẹ già, tính nết đổi thay
Đừng quá bất ngờ khi thấy tính nết cha mẹ đột nhiên thay đổi, dẫu có cằn nhằn, cáu gắt, khó chịu thì cũng chẳng bằng lúc chúng ta giận nẫy ăn vạ thuở ấu thơ đâu.
Phận làm con đã không tìm cách để thích nghi, mà lấy đó làm sự khó chịu để rồi tạo ra sự xa cách mẹ cha thì cũng chính là lúc ta đẩy song thân vào sự bế tắc và cô đơn.
Khi cha mẹ già, chính là lúc phải đi
Cha đã già, mẹ cũng chẳng còn trẻ, thời gian chúng ta có thể ở bên để hiếu thuận không còn nhiều, xin người làm con phải biết trân quý.
Không có công việc này còn có công việc khác, không có bữa tiệc này còn có trăm ngày vui khác, còn khoảnh khắc cuối cùng của đời mẹ cha, chẳng bao giờ có thể lặp lại. Nếu thực sự là đứa con ngoan ngoãn muốn làm tròn chữ hiếu thì phải ở bên cha mẹ những ngày này để chăm sóc, để yêu thương người.
Minh KhuêBạn đang xem bài viết 7 'gánh nặng' sẽ đến khi cha mẹ già đi, phận làm con liệu hiểu được mấy phần? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].