Dù cố gắng thế nào, bạn cũng không thể hiểu “người ấy” hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số điều cơ bản bạn cần biết trước khi “về chung nhà” với một ai đó để tránh những tranh cãi và đổ vỡ về sau.
1. Em/anh có muốn có con không?
Đây là chủ đề không sớm thì muộn cũng cần bàn luận đến để cả hai hiểu nhau và không bị tổn thương sau này.
Nếu bạn hoặc người bạn đời lo lắng việc có con sẽ làm mối quan hệ xấu đi, bạn cần học cách giữ lửa hạnh phúc khi trở thành cha mẹ.
Một số lời khuyên giúp bạn không rơi vào khủng hoảng hôn nhân sau khi có con:
- Duy trì tình cảm và luôn khen ngợi người bạn đời
- Thông cảm với những gì người bạn đời đang trải qua và thể hiện sự cảm thông
- Tiếp cận vấn đề với niềm tin bạn và ‘nửa kia’ có thể kiểm soát và cùng giải quyết
2. Ai sẽ là người nấu ăn, giặt giũ và dọn dẹp?
Theo một phiếu điều tra của Pew Research vào năm 2007, chia sẻ việc nhà là yếu tố quan trọng thứ ba giúp duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc (hai yếu tố đầu tiên là sự chung thủy và đời sống chăn gối viên mãn).
Vì vậy, trước khi kết hôn, bạn và “người ấy” cần phân chia rõ ràng công việc nhà cũng như các trách nhiệm khác để cả hai cảm thấy mình có đóng góp tương đương trong việc xây dựng mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tờ The Atlantic, cho đến bây giờ, phụ nữ vãn thường là người gánh vác phần lớn việc nhà.
Những cặp đôi không phân chia rõ ràng việc nhà cũng như định sẵn khi nào làm việc gì thường cảm thấy mệt mỏi, áp lực và bất mãn với cuộc sống mà không thể thổ lộ với ai.
Ngược lại, những cặp đôi đã thảo luận trước với nhau các nhiệm vụ và trách nhiệm có cuộc sống vui vẻ và ít tranh cãi hơn.
3. Anh/em có nợ tiền không và nợ bao nhiêu?
Có thể đây không phải là vấn đề sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại chuyện kết hôn nhưng bạn cần hỏi để không rơi vào tình trạng “tá hỏa” khi phát hiện vợ/chồng mình nợ một khoản tiền lớn sau đám cưới.
Một cuộc nói chuyện thẳng thắn về vấn đề tài chính, đặc biệt là các khoản nợ nần là tối quan trọng trước khi kết hôn, thậm chí là nếu muốn nghiêm túc hơn.
Hơn nữa, cách một người lập kế hoạch và quản lý tài chính cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này
4. Anh/em cần bao nhiêu thời gian ở một mình?
Điều thú vị là, dành thời gian xa nhau và đáp ứng những nhu cầu bên ngoài mối quan hệ chính là điều “người ấy” cần.
Theo Eli Finkel, một giáo sư và nhà tâm lý học thuộc Trường Quản trị kinh doanh Kellogg của Đại học Northwestern khuyến cáo, đặt ít kỳ vọng vào cuộc hôn nhân là cách để hôn nhân bền vững.
Ví dụ, nếu người bạn đời của bạn không thích đi xem phim, nghe nhạc, bạn có thể đi cùng một người bạn.
‘Nếu bạn thấy mình thường xuyên thất vọng về một khía cạnh của cuộc sống vợ chồng, một trong những cách giải quyết tốt nhất là tự hỏi mình: Bạn có thực sự cần đáp ứng nhu cầu đó bằng hôn nhân không?’
5. Anh/em quan niệm như thế nào là ngoại tình?
Mỗi người đều có giới hạn khác nhau – có những người cho rằng xem “phim con heo” hoặc đến các câu lạc bộ thoát y là ngoại tình.
Vì vậy, hãy đặt ra giới hạn trước khi bước vào hôn nhân để tránh “ngoại tình tư tưởng” – một hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến và khó định nghĩa.
6. Anh/em nghĩ gì về chuyện ly hôn?
Đây có thể là một câu hỏi quá sớm để trả lời, nhất là khi cuộc hôn nhân còn chưa bắt đầu, tuy nhiên trong vòng 5 năm, 10 năm, 20 năm, khi cuộc sống trở nên khó khăn, cả hai sẽ bằng mọi giá cùng nhau vượt qua hay một trong hai sẽ chọn cách dừng lại để giải quyết vấn đề?
Chuyện gì sẽ khiến hai bạn đổ vỡ: ngoại tình hay không thể thống nhất về cách ứng xử với nhà vợ/nhà chồng?
Bạn có thể thấy khá khó khăn khi đề cập đến vấn đề này nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thấy được tác dụng của nó.
Đừng buồn bã hoặc lo lắng khi “người ấy” hoặc chính bạn đã chuẩn bị trước tâm lý cho việc ly hôn.
Nếu bạn lo sợ và không muốn nghĩ tới ly hôn, bạn sẽ có những suy nghĩ và cách ứng xử tiêu cực.
Lý do là vì biết rằng mình luôn có một “lối thoát” – dù có thể bạn không bao giờ cần sử dụng đến – cũng mang lại một cảm giác tự do và thoải mái.
Bạn chỉ duy trì mối quan hệ nếu bạn thực sự muốn ở bên người ấy.
7. Hôn nhân sẽ thay đổi mối quan hệ của mình như thế nào?
Một số người cảm thấy mình có những kỳ vọng khác khi kết hôn so với lúc hẹn hò, trong khi đó những người khác cảm thấy không có gì thay đổi.
Bạn và “người ấy” cần hiểu rõ những mong muốn của người kia trong mỗi bước tiến triển của mối quan hệ - điều này cực kỳ quan trọng.
Trong một bài viết trên BBC, nhà tâm lý học Christian Jarrett cho hay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tính cách con người thường thay đổi sau khi kết hôn.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 ở Hà Lan phát hiện, mức độ kiểm soát bản thân và sự khoan dung của người bạn đời tăng lên sau 4 năm đầu kết hôn.
Dù vậy, bạn vẫn cần thảo luận về những sự thay đổi khó tránh, về việc cả hai sẽ trưởng thành cùng nhau như thế nào cũng như những điều bạn lo lắng và háo hức khi kết hôn.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết 7 điều quan trọng bạn cần hỏi ‘người ấy’ trước khi kết hôn tại chuyên mục Tâm sự của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].