1. “Điểm báo” cùng con
Nói chuyện với con của bạn về những điều bạn mới xem – nghe - đọc được, đặc biệt là những điều bạn thấy thú vị. Đó có thể là một bài báo, một cuốn sách hoặc một bộ phim.
Hãy trò chuyện với con về những thông tin bạn thu được càng nhiều càng tốt và lắng nghe nhận xét của con. Điều quan trọng là cha mẹ cần để con có ý kiến mà không đưa ra phán quyết. Cha mẹ hãy mở lòng bằng những câu hỏi gợi mở: “Ô thế à?”; “Sao con lại nghĩ thế nhỉ?”… thay vì phán xét: “Con sai rồi!”, “Không, chuyện này không phải như vậy”…
Quá trình trò chuyện chính là quá trình giúp con học cách trình bầy quan điểm cá nhân, hình thành hệ giá trị... Các con đồng thời sẽ hứng thú với việc “nạp thông tin” cũng giống như nạp năng lượng thông qua ăn uống hàng ngày.
Duy trì thói quen đọc sách là chìa khóa của quá trình học tập lâu dài.
2. Theo đuổi sở thích riêng của chính mình
Hãy theo đuổi sở thích riêng của bạn. Chia sẻ những điều này với con của bạn, nhưng không yêu cầu con phải có cùng sở thích. Việc cha mẹ có một say mê đặc biệt với một lĩnh vực nào đó sẽ trở thành tấm gương truyền nhiệt huyết cho các con.
Nếu con có bất kỳ sự tò mò, hứng thú về lĩnh vực học tập, thể thao hoặc giải trí lành mạnh nào, hãy khuyến khích và hỗ trợ con ở mức tốt nhất mà tài chính của bạn cho phép.
Việc học tập, tìm tòi về âm nhạc, thể thao, du lịch, đọc sách, khiêu vũ, game, thức ăn,... tưởng như chẳng liên quan gì đến việc học tập ở trường, nhưng thực tế lại giúp trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của việc học. Học không phải để “lên lớp” hoặc để bố mẹ, thầy cô hài lòng mà học vì niềm say mê của bản thân. Khi có động lực đúng đắn này, trẻ sẽ dễ dàng thành công hơn trong quá trình học tập.
3. Chơi các trò chơi trí tuệ với trẻ
Đó có thể là chơi cờ vua, đố vui, ô chữ… Tổ chức một nhóm trẻ diễn một vở kịch hoặc thi xem em nào kể lại một câu chuyện bằng tiếng Anh trôi chảy hơn cũng là cách hữu ích “vừa học vừa chơi”. Giúp trẻ hiểu việc suy nghĩ, tư duy thì quan trọng hơn là kết quả thắng thua.
4. Đừng tiếc thời gian dành cho con
Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, bạn hãy nghĩ đến việc hỗ trợ con học tập. Đừng bó hẹp việc giúp con học chỉ bao gồm giúp con giải quyết bài tập về nhà.
Bạn có thể đi nhà sách cùng con, nằm mơ mộng, trò chuyện vu vơ với các bé ở bãi cỏ công viên hoặc cùng con đến một triển lãm, một bảo tàng mà bản thân bạn cũng hào hứng muốn đến.
Ngay cả khi bạn tình cờ có thời gian rảnh rỗi ở chỗ làm, bạn cũng có thể tranh thủ đọc truyện và ghi âm lại vào điện thoại, sau đó mở cho con nghe vào buổi tối như một món quà bất ngờ.
Có rất nhiều cách để các bố mẹ sử dụng thời gian rỗi nhẹ nhàng, hoàn toàn free nhưng lại rất hữu ích cho việc hỗ trợ trẻ học tập.
5. Cha mẹ là giáo viên tốt nhất
Hãy nhớ rằng bạn là giáo viên giỏi nhất của con bạn! Trường học, truyền hình, hay kệ sách đầy ắp cũng không thể đạt được những gì bạn có thể trong việc giáo dục con mình.
Bạn hoàn toàn không mất nhiều công sức để truyền cảm hứng cho não của một đứa trẻ trong thế giới hàng ngày - nơi mà trẻ tiếp xúc nhiều nhất.
Dưới đây là một vài điều đơn giản bạn có thể làm để lôi kéo con mình: đếm số ngôi nhà, số xe ô tô, số xe đạp… mà bạn vượt qua khi lái xe; Tìm kiếm các chữ cái, số hoặc màu sắc trên menu nhà hàng…
Khi bạn chờ đến lượt ở quầy mua vé xem phim, hãy chỉ cho bé xem một vài tựa phim bằng tiếng Anh, đố bé tìm những từ tiếng Anh quen thuộc… Chắc chắn bé sẽ thấy bố mẹ là những “giáo viên” tuyệt vời ông mặt trời!
6. Bắt đầu khuyến khích học tập càng sớm càng tốt
Giáo dục sớm là cách để bé cảm thấy chuyện học thật tự nhiên và dễ dàng.
Cha mẹ đừng nghĩ học chữ, học số mới là học nhé!
Khuyến khích bé có nếp sinh hoạt độc lập sẽ kích thích não của bé phát triển, tạo cơ sở cho việc học tập sau này.
Ví dụ, những việc như tự xúc ăn, chọn áo để mặc, tự dọn đồ chơi… là những việc mà một đứa trẻ mới biết đi cũng có thể làm được.
Để con bạn làm những việc nho nhỏ cho mình sẽ giúp con cảm thấy mình kiểm soát được thế giới của con, và điều đó sẽ truyền cảm hứng cho con đối với những tìm tòi lớn hơn và tốt hơn.
Khi thế giới đang ở trong tay bạn, bạn muốn làm điều gì đó với nó, phải không?
7. Luôn khẳng định: “Trường của con thật tuyệt!”
Rất nhiều cha mẹ gặp sai lầm khi chê bai trường học, cô giáo của con trước mặt con. Nếu muốn con hào hứng với việc học, tuyệt đối cha mẹ không được “dìm hàng” những gì liên quan đến trường lớp của con.
Một cách khác để con hiểu trường học là quan trọng đó là cha mẹ làm hết sức để hỗ trợ trường học của con. Hãy tham gia các hoạt động của trường, hoạt động của hội phụ huynh, thường xuyên kết nối với giáo viên… để trẻ hiểu rằng bạn đánh giá cao ngôi trường của con.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 7 cách thông minh để con say mê học tập mà không cần phải ép tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].