1. Hiểu rõ thành công là gì với bạn
Điều này sẽ tác động tích cực đến tư duy thành công. Bạn cần cảm thấy mình thành công và đang thành công.
Mỗi chúng ta đều biết ở một mức nào đó thành công với mình là gì. Tuy nhiên chúng ta thường chỉ hieur mơ hồ, và điều ta cần là nói chuyện với chính mình để tìm ra câu trả lời.
Hãy tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống với một cây bút và quyển sổ. Khi đã tĩnh tâm, hãy tự hỏi bản thân và viết lên giấy đáp án cho hai câu hỏi:
- Thành công với tôi nghĩa là gì?
- Thành công trông như thế nào, cảm giác ra sao?
Có thể câu trả lời sẽ không đến ngay với bạn, nhưng không sao cả. Thành công với bạn có thể liên quan đến điều bạn cho là quan trọng nhất. Nó có thể ẩn sâu trong tâm bạn và cần thời gian để hiểu rõ.
Nhưng một khi đã đặt câu hỏi, bạn cuối cùng sẽ nhận được câu trả lời, đôi khi vào những lúc bạn không ngờ tới nhất.
2. Xác định một đích đến hấp dẫn
Stephen Covey, một nhà giáo dục, doanh nhân, diễn giả, tác giả thành công từng nói: "Begin with the end in mind" (Tạm dịch: Hãy bắt đầu bằng một cái kết đã xác định).
Muốn thành công, bạn cần bắt đầu với một đích đến, một mục tiêu đã xác định. Vì khi nhìn thấy trước kết quả, các bước để đạt mục tiêu sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên nếu mục tiêu quá khô khan, nhàm chán, không hấp dẫn thì sẽ chẳng có tác dụng gì. Đích đến đã xác định phải là một thứ hấp dẫn đến không thể cưỡng lại được, khiến bạn cảm thấy phải có nó.
Hãy nhắm mắt và tưởng tượng bạn sẽ thấy những gì, nghe những gì và cảm nhận điều gì khi đạt được mục tiêu đó.
Khi đã có một bức tranh rõ ràng trong đầu, hãy mở mắt ra và viết lại những gì bạn thấy, nghe, cảm nhận. Đặt ra một thời hạn để đạt được.
Như vậy, bạn sẽ đạt được mục tiêu đó hai lần, lần đầu trong tưởng tượng và lần hai ở hiện thực.
3. Thống nhất mục tiêu và tầm nhìn của bạn
Sự thống nhất là chìa khóa để thành công. Tức là mục tiêu phải song song với các giá trị và quan niệm về thành công của bạn.
Giá trị của bạn là động lực cốt lõi, nếu mục tiêu lệch hướng, bạn sẽ mất dần động lực.
Ví dụ, mục tiêu của bạn là phát triển doanh nghiệp, điều đó có nghĩa bạn phải dành nhiều thời gian với doanh nghiệp hơn. Trong khi đó, dành thời gian cho gia đình lại là điều quan trọng nhất với bạn. Nhưng muốn đạt mục tiêu thì bạn phải bớt thời gian cho gia đình.
Nếu không điều chỉnh mục tiêu, năng lượng của bạn sẽ dần cạn kiệt vì phải cố gắng làm mọi thứ. Hoặc bạn sẽ nhớ nhà và bỏ việc. Dù là tình huống nào thì cũng sẽ khiến bạn không đạt mục tiêu.
4. Hành động quy mô lớn không phải lúc nào cũng là cách hiệu quả nhất để thành công
Thay vào đó, bạn cần sẵn sàng cho những hành động có tính bền vững, thống nhất.
Thành công đạt được bằng cách bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng không phải lúc nào cũng là những bước nhảy vọt quy mô lớn.
Ví dụ, bạn muốn tăng khách hàng lên 10% và bắt đầu networking (tạo mối quan hệ). Sau sự kiện networking thứ 6, bạn đã cảm thấy kiệt sức và bực bội vì không có thời gian để làm gì khác.
Hơn nữa bạn cũng chưa tìm được thêm khách hàng như mong muốn. Bạn bỏ lỡ buổi tập gym và các lần hẹn hò. Năng lượng của bạn cạn dần và việc networking càng không hiệu quả.
Đó là ví dụ cho thấy những hành động mang tính ồ ạt, rầm rộ có thể không hiệu quả vì hành động không thống nhất hoàn toàn với giá trị và mục tiêu của bạn.
Bạn không cần làm mọi việc cùng lúc và đạt các mục tiêu cùng lúc. Nó sẽ khiến bạn kiệt sức nhanh chóng và không bền vững.
Tốt hơn hãy chia nhỏ các công việc, xác định và ưu tiên những việc thống nhất mục tiêu của bạn hơn để vừa thành công vừa có thời gian cho những việc khác.
5. Tự xem lại và điều chỉnh
Tự xem lại là một trong những kỹ năng quan trọng để thành công.
Muốn thành công bạn cần có khả năng nhận thức và sự linh hoạt. Mỗi hành động làm ra, bạn cần nhận thức được nó có thành công hay không. Nếu không hiệu quả cần sẵn sàng thay đổi. Việc xem lại sẽ giúp bạn làm điều này hiệu quả.
Tuy nhiên, nỗi sợ thất bại thường khiến con người bỏ qua bước xem lại này. Nhưng mù quáng bước tiếp với một cái đầu mờ mịt mà không tạm dừng để kiểm tra lại những gì đã làm là điều ngu ngốc.
Không ai có thể chắc chắn rẽ đúng mà không nhìn vào gương chiếu hậu. Một cái nhìn nhanh sẽ giúp ta biết có cần điều chỉnh tốc độ hay đợi lối rẽ sau.
Bên cạnh đó, khi xem xét lại, hãy tử tế với chính mình. Làm tổn thương chính mình sẽ không có lợi ích gì mà chỉ khiến bạn mất động lực làm việc.
Tự chỉ trích, phán xét bản thân sẽ khiến bạn mắc kẹt, không thể nhìn thấy những thay đổi mà bạn có thể làm được.
Việc xem lại cần thực hiện không có sự phán xét, chỉ có những đánh giá mang tính tích cực, xây dựng. Bạn có thể thực hiện điều này hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý.
Bất kể bạn làm gì, chắc chắn bạn đều đạt được mục tiêu nào đó. Hãy trân trọng những điều mình đạt được, ghi nhớ những bài học, và xem xét nhũng điều còn có thể thay đổi.
6. Kiên định và quyết tâm
Thái độ là thước đo mức độ thành công của bạn.
Nếu bạn dễ từ bỏ, bạn sẽ cảm thấy khó đạt mục tiêu. Nhưng sự kiên định sẽ giúp bạn tìm được cách để đến đích.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là kiên trì làm mọi việc, kể cả những việc không có hiệu quả. Nếu cần thiết, phải điều chỉnh cách làm cho đến khi đạt kết quả.
Thành công thực sự đòi hỏi thời gian và thái độ. Nếu bạn thấy ai đó thành công sau một đêm, thì thường là những ngoại lệ. Muốn thành công cần học hỏi và thực hành, đôi khi sẽ mất tới vài năm.
7. Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần
Những điều chúng ta làm với thể chất và tinh thần sẽ tác động lớn đến mức độ thành công của chúng ta.
Muốn thành công, tinh thần và thể chất của chúng ta đều cần ở mức cao. Thể chất có tác động đến tâm trạng và ngược lại. Cả hai đều ảnh hưởng đến kết quả công việc của chúng ta.
Do đó, bạn cần chăm sóc cả thể chất và tinh thần bằng lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao, ăn sạch, uống nhiều nước. Thiền, yoga, khí công cũng tốt cho việc chăm sóc tinh thần, tâm trí. Dành thời gian đi dạo, hít thở không khí trong lành để nâng cao tâm trạng và cảm thấy bình tĩnh.
(Theo Life hack)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 7 bí quyết xây dựng lối tư duy thành công tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].