Quan sát bảng hiển thị điện năng
Giống như kim chỉ xăng trên xe máy, xe điện cũng có một bảng hiển thị năng lượng của ắc quy để cho khi nào xe sắp hết điện và cần phải sạc điện.
Tùy từng loại xe có quãng đường di chuyển xa bao lâu, bạn cũng phải biết ước chừng quãng đường đi để xe hoạt động mà không gặp vấn đề trên đường.
Ngoài ra, việc đi nhiều ở mức năng lượng còn quá ít cũng khiến cho ắc quy nhanh bị chai hỏng hơn.
Tránh phanh gấp, tăng ga đột ngột
Cách di chuyển hàng ngày góp phần quan trọng vào độ bền của xe. Với xe điện cần lưu ý vào những bộ phận chính có thể gặp trục trặc là bình ắc quy, hệ thống nạp, mô tơ và dây phanh, ga.
Khi đi xe điện, tránh phanh gấp rồi tăng ga đột ngột. Cách làm này sẽ khiến ắc quy (pin) của xe giảm đáng kể, về lâu dài, mô tơ bị ép hoạt động mạnh sẽ không bền.
Nếu là xe đạp điện, bạn có thể đạp thêm vài nhịp trợ lực để bắt đầu hành trình. Tương tự khi lên dốc cao, đạp xe trợ lực hoặc giảm trọng tải để lên dốc mà không ảnh hưởng đến mô tơ.
Sử dụng đồng bộ sạc với ắc quy
Việc chọn đồng bộ giữa bộ sạc và bộ ắc quy có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của ắc quy, do đó phải lựa chọn đúng loại, đạt các thông số đối với từng loại.
Việc lựa chọn sai sẽ làm giảm dung lượng của ắc quy, gây phồng ắc quy thậm chí gây nổ trong quá trình sạc.
Đi xe với tải trọng hợp lý
Mỗi loại xe điện đều có trọng tải khác nhau, loại nhỏ chở được trên 40kg, loại tải trọng nặng hơn cũng không quá 90kg. Vì vậy, xe điện chủ yếu phục vụ cho 1 người, tối đa là 2 người di chuyển.
Nếu sử dụng xe điện với trọng tải quá lớn sẽ gây sức ép đến mô tơ, khung vành và nan hoa.
Tối kị để xe ngập nước vào động cơ và IC
Mặc dù như nhiều hãng xe giới thiệu, xe máy điện, xe đạp điện có trang bị hệ thống chống nước, nhưng tốt nhất là nên tránh cho xe đi dưới trời mưa hoặc vùng bị ngập nước.
Động cơ và IC là 2 bộ phận cực kỳ quan trọng của chiếc xe điện, rất dễ oxi hóa nếu bị ngập nước. Tùy vào thời gian ngập nước mà xe có thể bị vô hiệu hóa ngay tức thì hoặc một thời gian sau mới có triệu chứng.
Không để xe dưới trời nắng gắt
Khi nhiệt độ cao ắc quy sẽ tự động phóng mất năng lượng. Nhiệt độ làm việc lý tưởng của ắc quy là từ 20 - 25 độ, vì vậy, bạn không nên đi xe đạp điện ngoài trời khi nhiệt độ quá cao, cũng không nên phơi xe ngoài trời nắng lâu.
Sạc điện đúng cách
Khi sạc, đặt bình điện nơi khô thoáng hoặc để bình điện trong xe và nạp trực tiếp vào bình, không dốc ngược bình khi nạp.
Nếu lâu không đi xe, khoảng 10 ngày/lần sạc điện để giữ tuổi thọ cho ắc quy.
Không nên cắm phích sạc liên tục, rút phích sạc khi đèn báo chuyển màu xanh.
Hạn chế lấy pin ra khi đang sạc vì dễ làm pin bị chai. Tuyệt đối không sạc bằng nguồn điện từ máy phát.
Hoàng HiệpBạn đang xem bài viết 7 bí quyết tăng tuổi thọ xe máy điện, xe đạp điện trong mùa hè tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].