Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

6 phương pháp giúp người bệnh phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến và nguy hiểm hàng đầu tới sức khỏe phụ nữ, vì vậy xét nghiệm ung thư cổ tử cung giúp ta phát hiện sớm để kiểm soát được căn bệnh này. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1 Ung thư cổ tử cung là gì? 

Cổ tử cung là phần hẹp phía sau tử cung, nối liền tử cung và âm đạo. Ung thư cổ tử cung có tên tiếng anh là Cervical cancer, đây là một bệnh lý ác tính.

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào ở vị trí cổ tử cung phát triển bất thường, nhân lên mất kiểm soát. Sau đó những tế bào này phát triển thành khối u, chúng xâm lấn những khu vực xung quanh và di căn tới các bộ phận khác của cơ thể gây nguy hiểm.

Nữ giới mắc ung thư cổ tử cung thường ở độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi), người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, trong khi đó những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, hình thành khối u

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, hình thành khối u

2 Xét nghiệm ung thư cổ tử cung là gì?

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung còn có tên gọi khác là xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, đây là phương pháp chẩn đoán, phát hiện sớm và ngăn chặn các tế bào bất thường ở cổ tử cung của phụ nữ, giúp cho việc điều trị và phòng chống bệnh ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả tốt nhất.

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung là phương pháp phát hiện và ngăn chặn tế bào ung thư

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung là phương pháp phát hiện và ngăn chặn tế bào ung thư

3 Tầm soát ung thư cổ tử cung có quan trọng không?

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm và phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì những lý do sau đây:

  • Phát hiện sớm: Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu, khi bệnh chưa gây ra nhiều biến chứng. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị tăng khả năng hồi phục.
  • Giảm nguy cơ tử vong: Nếu được phát hiện sớm, các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị có thể áp dụng hiệu quả hơn, giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư cổ tử cung gây ra.

Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị và giảm tử vong

Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị và giảm tử vong

4 Khi nào nên xét nghiệm ung thư cổ tử cung

Việc xét nghiệm ung thư cổ tử cung nên được thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, dưới đây là một số thời điểm bạn nên đi xét nghiệm ung thư cổ tử cung:

  • Độ tuổi: Bạn có thể bắt đầu xét nghiệm ung thư cổ tử cung ở tuổi 21 theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Liên quan đến tình dục: Nếu bạn có quan hệ tình dục hoặc đã từng có quan hệ tình dục.
  • Tiền sử bệnh: Nếu bạn có tiền sử bị nhiễm vi-rút HPV hoặc thành viên trong gia đình có tiền sử ung thư cổ tử cung.

Nếu bạn có tiền sử bị nhiễm vi-rút HPV thì nên xét nghiệm ung thư cổ tử cung

Nếu bạn có tiền sử bị nhiễm vi-rút HPV thì nên xét nghiệm ung thư cổ tử cung

5 Các xét nghiệm ung thư cổ tử cung

Khi các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi thì tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh đã giảm một cách đáng kể. Hiện nay có 6 phương pháp xét nghiệm ung thư cổ tử cung, cụ thể là:

Khám phụ khoa

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm rình rập phái nữ, thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Do vậy, việc khám phụ khoa định kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Khám phụ khoa bao gồm việc kiểm tra tử cung và cổ tử cung, giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường nghi ngờ ung thư.

Trường hợp bác sĩ Sản phụ khoa phát hiện những triệu chứng bất thường, bạn sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh.

Ngoài ra, khám phụ khoa còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa các bệnh phụ khoa khác, cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.

Theo khuyến cáo, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/1 lần và lặp lại trong vòng 2, 3 hoặc 5 năm sau đó, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe.

Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi quan hệ tình dục (từ 30 đến 45 tuổi) nên khám 6 tháng - 1 năm/1 lần. Bởi ngoài nguy cơ ung thư cổ tử cung, họ còn dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác.

Khám phụ khoa định kỳ để phòng tránh nguy cơ của ung thư cổ tử cung

Khám phụ khoa định kỳ để phòng tránh nguy cơ của ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm Pap smear

Xét nghiệm Pap Smear (còn được gọi là xét nghiệm Pap hay xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung) là xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những tế bào bất thường ở cổ tử cung, giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh.

Phương pháp này thực hiện thu thập và phân tích tế bào ở cổ tử cung với kỹ thuật lấy mẫu đơn giản, được các bác sĩ thực hiện trong khi khám phụ khoa với các dụng cụ chuyên biệt.

Nhờ khả năng phát hiện sớm tế bào ung thư trước khi chúng kịp lây lan, xét nghiệm Pap Smear giúp phụ nữ có cơ hội điều trị cao hơn, tăng tỷ lệ sống sót và giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Điểm nổi bật của Pap Smear nằm ở khả năng phát hiện những biến đổi bất thường ở cấu trúc, hoạt động của tế bào cổ tử cung, từ đó dự đoán nguy cơ mắc bệnh ung thư trong tương lai. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể can thiệp kịp thời và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp để ngăn chặn ung thư phát triển.

Xét nghiệm Pap smear giúp phát hiện tế bào bất thường

Xét nghiệm Pap smear giúp phát hiện tế bào bất thường

Xét nghiệm Thinprep Pap

Xét nghiệm Thinprep là phương pháp xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được cải tiến so với xét nghiệm Pap Smear. Kíp xét nghiệm ThinPrep được đánh giá về chất lượng thuộc loại xuất sắc theo tiêu chuẩn FDA.

Kỹ thuật này có hiệu quả vượt trội trong việc xét nghiệm sớm các tế bào bất thường ở cổ tử cung, giúp giảm đáng kể tỷ lệ kết quả âm tính giả, mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm chi phí điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội.

Xét nghiệm Thinprep có hiệu quả vượt trội, giảm tỷ lệ kết quả âm tính giả

Xét nghiệm Thinprep có hiệu quả vượt trội, giảm tỷ lệ kết quả âm tính giả

Xét nghiệm Cellprep

So với phương pháp Pap Smear truyền thống, xét nghiệm CellPrep Pap là bước cải tiến vượt bậc. Xét nghiệm CellPrep đã làm tăng độ nhạy phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung đến 70-95% (cao hơn PAP thường quy khoảng 20%).

Phương pháp CellPrep lấy mẫu phết tế bào cổ tử cung nhúng dịch có ưu điểm là xử lý chất nhầy, hồng cầu, tế bào viêm. Từ đó, phát hiện dễ dàng hơn các tế bào biểu mô bất thường, đặc biệt ung thư tế bào biểu mô tuyến (loại tế bào ung thư rất khó phát hiện).

Xét nghiệm Cellprep có độ nhạy cao

Xét nghiệm Cellprep có độ nhạy cao

Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là phương pháp quan sát cổ tử cung qua máy soi cổ tử cung (thiết bị phóng đại đặc biệt từ 10-30 lần). Kỹ thuật này giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương trên cổ tử cung mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cho thấy có những thay đổi bất thường trong tế bào, tức là có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, lúc này bạn sẽ được giới thiệu đi soi cổ tử cung để bác sĩ quan sát kỹ hơn.

Khi phát hiện các tổn thương nghi ngờ tại cổ tử cung, bác sĩ sẽ bấm sinh thiết tại vị trí đó để lấy vài mảnh mô nhỏ để tìm ra tế bào ác tính, phục vụ việc chẩn đoán bệnh chính xác. 

Soi cổ tử cung giúp phát hiện tổn thương chưa có triệu chứng lâm sàng

Soi cổ tử cung giúp phát hiện tổn thương chưa có triệu chứng lâm sàng

Xét nghiệm HPV DNA

Hơn 99.7% trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ có liên quan đến virus HPV. Loại virus này lây truyền qua đường tình dục, âm thầm tấn công và có thể tiềm ẩn trong cơ thể nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng.

Xét nghiệm HPV DNA là phương pháp sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động và công nghệ hiện đại để phân tích và xác định chính xác sự hiện diện của virus HPV trong cơ thể.

Tuy xét nghiệm HPV DNA không khẳng định trực tiếp việc bệnh nhân có mắc ung thư cổ tử cung hay không, nhưng kết quả dương tính với virus HPV sẽ đóng vai trò cảnh báo quan trọng, giúp phụ nữ có biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời, chặn đứng nguy cơ ung thư từ khi mới chớm nở.

Thông thường, xét nghiệm HPV DNA được thực hiện đồng thời cùng xét nghiệm Pap Smear hoặc Thinprep để mang lại hiệu quả tối ưu, cho phép thu thập tế bào cổ tử cung một cách toàn diện, phát hiện sớm những tế bào bất thường và đánh giá chính xác nguy cơ ung thư.

Xét nghiệm HPV DNA có thể phát hiện được virus gây bệnh trong cơ thể

Xét nghiệm HPV DNA có thể phát hiện được virus gây bệnh trong cơ thể

6 Độ chính xác xét nghiệm ung thư cổ tử cung có cao không?

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời là chìa khóa vàng để chiến thắng ung thư cổ tử cung - căn bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ. Tầm soát ung thư cổ tử cung chính là phương pháp hiệu quả nhất để hiện thực hóa điều này.

Tuy nhiên, cũng như các phương pháp xét nghiệm khác, tầm soát ung thư cổ tử cung không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.

Do đó, để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác nhất, chị em cần lưu ý một số điều sau:

  • Tránh quan hệ tình dục, sử dụng tampon, thuốc đặt âm đạo hoặc dung dịch vệ sinh trong vòng 2-3 ngày trước khi xét nghiệm: Việc này giúp đảm bảo mẫu tế bào cổ tử cung thu được nguyên vẹn và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
  • Nên thực hiện xét nghiệm sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt 5 ngày: Kinh nguyệt có thể làm loãng mẫu tế bào, dẫn đến kết quả không chính xác.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm phụ khoa trước khi xét nghiệm: Viêm nhiễm có thể gây ra tình trạng bong tróc tế bào, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Để đảm bảo kết quả, bạn không nên tầm soát khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt

Để đảm bảo kết quả, bạn không nên tầm soát khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt

7 Đối tượng và tần suất nên tầm soát ung thư cổ tử cung

Để bảo vệ sức khỏe bản thân khỏi căn bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm, phụ nữ cần chủ động tầm soát định kỳ theo khuyến cáo phù hợp với từng giai đoạn độ tuổi, cụ thể như sau:

  • Đối với phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi:
    • Nên thực hiện xét nghiệm Pap smear hoặc Thin Prep mỗi 3 năm một lần.
    • Xét nghiệm HPV không được khuyến khích cho nhóm tuổi này.
  • Đối với phụ nữ từ 30 đến 60 tuổi:
    • Lựa chọn xét nghiệm Pap smear hoặc Thin Prep: Tầm soát 3 năm một lần nếu kết quả bình thường.
    • Lựa chọn xét nghiệm HPV: Tầm soát 5 năm một lần nếu kết quả âm tính.
    • Kết hợp xét nghiệm Pap và HPV: Tầm soát 5 năm một lần nếu kết quả không có bất thường.
  • Đối với phụ nữ trên 65 tuổi: Nếu không có tiền sử bất thường tế bào cổ tử cung, kết quả âm tính cho cả Pap và HPV trong 10 năm qua và kết quả xét nghiệm gần nhất trong vòng 5 năm, bạn có thể ngừng tầm soát.

Phụ nữ trên 21 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kì ít nhất 3 năm 1 lần

Phụ nữ trên 21 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kì ít nhất 3 năm 1 lần

8 Đối tượng nào không cần tầm soát

Đối tượng dưới 21 tuổi không cần làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đối với bé gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi nên tiêm vắc xin phòng chống virus HPV để phòng ngừa tối ưu ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, phụ nữ trên 65 tuổi có thể ngừng sàng lọc nếu:

  • Ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính, hoặc
  • Ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính.
  • Đã được sàng lọc thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường.
  • Không có tiền sử mắc CIN2 (tổn thương nội biểu mô cổ tử cung).
  • Không chẩn đoán bệnh nào nghiêm trọng trong vòng 25 năm qua.
  • Đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính.

Phụ nữ dưới 21 tuổi không tầm soát ung thư cổ tử cung mà nên tiêm HPV để phòng bệnh

Phụ nữ dưới 21 tuổi không tầm soát ung thư cổ tử cung mà nên tiêm HPV để phòng bệnh

9 Phẫu thuật cắt tử cung rồi thì có cần tầm soát không?

Ngay cả khi cổ tử cung của bạn đã bị cắt bỏ thì các tế bào cổ tử cung vẫn có thể có mặt ở phía trên của âm đạo. Vì thế cho dù phẫu thuật cắt tử cung thì bạn vẫn nên tầm soát và kiểm tra định kỳ để tránh tái phát và tránh các tế bào ung thư còn sót lại sẽ di căn đến cơ quan khác.

Do đó, nếu có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc thay đổi tế bào cổ tử cung, bạn vẫn nên tiếp tục sàng lọc trong 20 năm tiếp theo tính từ thời điểm phẫu thuật.

Nên tiếp tục sàng lọc trong 20 năm tiếp theo tính từ thời điểm phẫu thuật

Nên tiếp tục sàng lọc trong 20 năm tiếp theo tính từ thời điểm phẫu thuật

10 Nên làm gì khi phát hiện các tế bào ung thư?

Khi phát hiện trong người có tế bào ung thư cổ tử cung, quan trọng nhất là tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế. Dưới đây là một số bước bạn nên thực hiện:

  • Tìm bác sĩ chuyên khoa ung thư cổ tử cung: Tìm một bác sĩ có chuyên môn về ung thư cổ tử cung để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.
  • Tiến hành các xét nghiệm và chẩn đoán: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm PAP, xét nghiệm HPV, xét nghiệm tế bào và có thể làm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, CT scan hoặc MRI để đánh giá mức độ phát triển của ung thư.
  • Xác định giai đoạn bệnh và tìm kiếm phương án chữa trị hợp lý nhất: Thảo luận với bác sĩ về các phương án điều trị khả thi, ưu nhược điểm của từng phương án, chi phí, tác dụng phụ,...

Khi phát hiện ung thư cổ tử cung hãy tìm đến sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế

Khi phát hiện ung thư cổ tử cung hãy tìm đến sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế

11 Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Ngoài việc đi khám thường xuyên và thực hiện các xét nghiệm thì bạn có thể thực hiện những việc sau để chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung:

Vắc xin HPV

Vắc xin HPV là loại vắc xin tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus HPV (Human Papilloma) ở người. Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất chống lại ung thư cổ tử cung.

Tại Việt Nam, phụ nữ từ 9 đến 45 tuổi đều được khuyến cáo tiêm vắc-xin HPV. Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để tiêm vắc-xin HPV là từ 9 đến 26 tuổi, trước khi có quan hệ tình dục.

Đối với phụ nữ ở độ tuổi 40, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa sinh con, đều nên tiêm vắc-xin HPV để bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng hiệu quả của vắc-xin sẽ không đạt được như mong muốn.

Hiện nay có 3 loại vắc-xin phòng ngừa vi rút HPV được sử dụng tại Việt Nam gồm: Gardasil, Gardasil 9 (Mỹ) và Cervarix (Bỉ) với lịch tiêm cụ thể như sau:

  Vắc-xin Gardasil Vắc-xin Cervarix Vắc-xin Gardasil 9
Số lượng chủng virus HPV phòng ngừa Bảo vệ chống lại 4 chủng virus HPV 6, 11, 16 và 18, giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Tập trung bảo vệ chống lại 2 chủng virus HPV 16 và 18, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Bảo vệ khỏi 9 tuýp virus HPV phổ biến 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.
Độ tuổi tiêm Phù hợp cho nữ giới từ 9 đến 26 tuổi. Dành cho nữ giới từ 10 đến 25 tuổi. Nam giới và nữ giới, từ 9 đến 45 tuổi.
Lịch tiêm Cả hai loại vắc-xin đều cần tiêm 3 mũi:
  • Mũi 1: Ngày tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 khoảng 2 tháng (Gardasil) hoặc 1 tháng (Cervarix).
  • Mũi 3: Cách mũi 2 khoảng 6 tháng.

Người từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:

Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 từ 6-12 tháng.

Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 < 5 tháng, cần tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.

Người từ tròn 15 tuổi đến 45 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên: Phác đồ 3 mũi (0-2-6).

Tiêm vắc xin HPV là biện pháp tối ưu nhất để phòng bệnh ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc xin HPV là biện pháp tối ưu nhất để phòng bệnh ung thư cổ tử cung

Các biện pháp phòng ngừa trong quan hệ

Quan hệ tình dục là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư cổ tử cung. Do đó, để phòng bệnh tuyệt đối, bạn cần quan hệ an toàn và lành mạnh bằng cách:

  • Không quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục sớm (ở tuổi dậy thì) là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HPV vì trong giai đoạn này, các màng nhầy đang trong giai đoạn này vô cùng nhạy cảm, khả năng tự bảo vệ trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh rất kém.
  • Sinh hoạt tình dục an toàn: Quan hệ với một bạn tình, một vợ, một chồng sẽ giúp giảm nguy cơ lây truyền virus HPV.
  • Sử dụng bao cao su: Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa virus HPV, cả nam và nữ đều nên luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục: Điều này giúp giảm thiểu việc lây nhiễm HPV, đồng thời có được thiện cảm với người bạn tình của mình.
  • Không nên lạm dụng thuốc tránh thai: Sử dụng thường xuyên thuốc tránh thai sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn, trong đó bao gồm việc gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Lưu ý các biện pháp phòng ngừa khi quan hệ để tránh bệnh ung thư cổ tử cung

Lưu ý các biện pháp phòng ngừa khi quan hệ để tránh bệnh ung thư cổ tử cung

Xem thêm:

  • Tiêm phòng ung thư cổ tử cung HPV và những điều bạn cần biết
  • 7 dấu hiệu mắc ung thư cổ tử cung bạn nữ không nên bỏ qua

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về 6 phương pháp phát hiện ung thư cổ tử cung sớm, giúp bạn sớm phát hiện và tìm được cách điều trị phù hợp với bản thân. Hãy chia sẻ bài viết đến người thân và bạn bè để cùng tìm hiểu nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính