Dưới đây là những lỗi lịch sự khi ngồi trên ô tô mà bạn nên sửa đổi ngay hôm nay.
1. Gác chân lên taplo
Gác chân lên taplo của xe ô tô khi ngồi ở ghế phụ phía trước không chỉ gây nguy hiểm cho chính bạn (vì đó là nơi lắp túi khí, nên trong trường hợp xảy ra va chạm mạnh, túi khí sẽ bung rất nhanh, bạn sẽ không kịp rút chân), mà còn rất bất lịch sự và mất vệ sinh.
Đó không phải ghế sofa nhà bạn mà là chiếc xe yêu quý của người chủ. Vì vậy hãy bỏ đôi chân bạn khỏi taplo xe ngay lập tức.
2. Tự ý điều chỉnh điều hòa ô tô
Nếu bạn muốn điều chỉnh nhiệt độ điều hòa trên xe ô tô, hãy hỏi người lái xe. Đừng tự ý động tay vào bảng điều khiển khi chưa được cho phép.
3. Ăn uống trên ô tô khi chưa được cho phép
Hãy đợi cho tới điểm đến của bạn để ăn uống. Hoặc ít nhất là đừng ăn uống khi chưa được sự cho phép của tài xế.
Vụn thức ăn có thể rơi vào những khu vực khó vệ sinh giữa ghế ngồi và bảng điều khiển. Mùi của thức ăn cũng rất khó loại bỏ.
4. Tự ý mở nhạc hoặc đổi nhạc trên xe
Người lái xe nên là người có quyền quyết định những gì sẽ phát trên loa.
Bạn có thể thoải mái đề xuất các bài hát, các kênh podcast, radio, nhưng đừng tự ý mở nhạc hoặc đổi nhạc trên xe.
Và nếu người lái xe từ chối các đề xuất của bạn, hãy tôn trọng quyết định của họ.
5. Làm người lái xe phân tâm
Chiếc meme hài hước bạn đang xem trên điện thoại có thể để sau. Đừng cố gắng cho người đang lái xe xem nội dung gì đó trên điện thoại của bạn.
Việc này nguy hiểm không kém việc tài xế vừa lái xe vừa nhắn tin.
Tương tự, hãy hạn chế tối đa các hành vi gây mất tập trung khác cho tài xế.
6. Chỉ trích kỹ năng lái xe của tài xế
Nếu bạn cho rằng mình lái xe tốt hơn tài xế, hãy đề nghị họ để bạn cầm lái.
Nếu không, tốt nhất bạn nên im lặng thay vì đưa ra những lời chỉ dẫn, phán xét không cần thiết.
(Theo Car and Driver)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 6 lỗi lịch sự khi ngồi trên ô tô khiến bạn vô duyên, kém sang tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].